Trong thời gian qua, thực tiễn triển khai thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg cũng như nội dung thành phần “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như các tiêu chí, chỉ tiêu dàn trải, nhiều nội dung định tính, khó đánh giá, trùng lắp, chồng chéo. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở gặp phải nhiều khó khăn do cấp ủy và lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời, thường xuyên; việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có biểu hiện chạy theo nông thôn mới…
Dự thảo Quyết định bao gồm 09 điều, nội dung các điều được thiết kế đảm bảo logic, phù hợp, nhất quán với cách tiếp cận, mục tiêu thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật. Các tiêu chí tập trung đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền của cấp xã trong việc bảo đảm tiếp cận pháp luật cho người dân.
Dự thảo Quyết định đã sửa đổi, bổ sung tên gọi và quy định khái quát, ngắn gọn, phù hợp với phạm vi và đối tượng áp dụng. Để làm rõ hơn mục đích thực hiện, dự thảo Quyết định bỏ từ “xây dựng” và sửa đổi theo hướng tên gọi là Quyết định quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Dự thảo cũng quy định điều mới về giải thích từ ngữ nhằm làm rõ hơn về mặt thuật ngữ và nội hàm của tiếp cận pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, tạo cơ sở cho việc xác định nội dung của tiêu chí đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bên cạnh đó, tiêu chí, điều kiện đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sửa đổi để bảo đảm tinh gọn, phù hợp với thực tế. Theo đó, dự thảo Quyết định có 06 tiêu chí (tăng 01 tiêu chí về trợ giúp pháp lý) và 21 chỉ tiêu (giảm 04 chỉ tiêu). Nội dung của các chỉ tiêu và cách tính điểm của từng nội dung được quy định cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị có liên quan đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung như cân nhắc tính khả thi về số điểm đối với xã đặc biệt khó khăn, các vùng miền núi, hải đảo. Ngoài việc xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương thì phải nêu rõ vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; xem xét lại các chỉ tiêu khó kiểm chứng, dễ chấm điểm tối đa…
Kết luận buổi làm veiecj, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh việc xây dựng xã tiếp cận pháp luật là một vấn đề quan trọng, do đó, Thứ trưởng đề nghị tổ soạn thảo tiếp tục tập trung nghiên cứu, rà soát thật kỹ các tiêu chí để tránh trùng lắp, tránh nội dung chung chung, khó kiểm chứng.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và các đơn vị khác có liên quan để học hỏi kinh nghiệm, xây dựng, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, hoàn chỉnh tờ trình dự thảo, báo cáo đánh giá tác động, lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan, rà soát lại theo đúng quy định của Luật BHVBQPPL. Đồng thời lấy ý kiến của các chuyên gia, các bộ, ngành địa phương, nghiên cứu xây dựng phần mềm theo dõi, đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…
Phương Mai