Bộ Tư pháp cho biết, trong giai đoạn hiện nay, công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói riêng ngày càng được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Công tác PBGDPL với vai trò là khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống cần được đổi mới tư duy, cách thức thực hiện để phù hợp với tình hình hiện nay theo hướng gắn kết hơn nữa công tác PBGDPL với xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Luật PBGDPL năm 2012 quy định các thông tin pháp luật phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao….trong đó có dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được công bố để lấy ý kiến theo quy định của pháp luật; Kết luận số 80/KL-TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ nhân dân yêu cầu: “Bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa PBGDPL với xây dựng tổ chức thi hành pháp luật”; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80/KL-TW đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “... chú trọng PBGDPL về các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận, nhất quán trong thực thi chính sách, pháp luật; thông tin rộng rãi, kịp thời các dự thảo chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản...”. Nhiệm vụ này tiếp tục được khẳng định tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL cũng xác định: “truyền thông chính sách pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội, huy động Nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả...”
Trên thực tiễn, Bộ Tư pháp cho biết, trong những năm qua, thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các đề xuất chính sách, dự thảo văn bản QPPL đã được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Việc đăng tải công khai dự thảo văn bản QPPL trên các Cổng/Trang thông tin điện tử để lấy ý kiến người dân đã được thực hiện theo quy định. Một số dự thảo văn bản có nội dung chính sách quan trọng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia về lĩnh vực liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lấy ý kiến đối với đề xuất chính sách, dự thảo văn bản QPPL còn hạn chế, bất cập, như chưa chú trọng lấy ý kiến của người dân, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo văn bản QPPL nhìn chung con mang tính hình thức; việc tham gia góp ý dự thảo văn bản QPPL của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa được quan tâm đúng mức và kịp thời; một số văn bản QPPL sau khi ban hành mới xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội...
Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế bất cập, Bộ Tư pháp cho rằng để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật cần phải gắn kết công tác PBGDPL với xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó giải pháp quan trọng đầu tiên là tổ chức thông tin, truyền thông, phổ biến các chính sách quan trọng trong dự thảo văn bản QPPL. Do đó, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Tổ chức thông tin, phổ biến về chính sách quan trọng trong dự thảo văn bản QPPL để tạo đồng thuận xã hội” là rất cần thiết và cấp bách.
Dự thảo Đề án tập trung vào các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác thông tin, phổ biến chính sách quan trọng trong dự thảo văn bản QPPL; hoàn thiện thể chế chính sách; tư vấn, chỉ đạo, định hướng nội dung chính sách pháp luật quan trọng của dự thảo cần tập trung thông tin; các hình thức thông tin phù hợp từng đối tượng, địa bàn cụ thể; thực hiện chỉ đạo điểm thông tin, phổ biến tại 1 số Bộ, ngành, địa phương, vùng miền. Dự thảo đề án cũng xác định nhiệm vụ cụ thể của Bộ Tư pháp (cơ quan thường trực Đề án) và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, UBND cấp tỉnh…
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam