Tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có ông Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp; bà Rochelemagne Audrey-Anne – Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và bà Dianna Torres – Đại diện UNDP tại Việt Nam. Chuyên gia tham gia tập huấn là TS. Hoàng Xuân Châu và TS. Lê Thị Anh Đào.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, ở những diễn đàn gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng có chỉ đạo rõ ràng, toàn diện về công tác tổ chức thi hành pháp luật trong đó phải tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xã hội. Đồng thời, qua hoạt động kiểm tra, giám sát của chính quyền các cấp trong quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh, ở cấp cơ sở nào mà ý thức chấp hành pháp luật của người dân tốt thì ở đó công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, thời gian qua, tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các cấp, ngành ở cơ sở đã nỗ lực nhiều trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó giúp người dân tiếp cận pháp luật nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, cùng với sự cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng hành của người dân, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau mà công tác này hãy còn những tồn tại nhất định, vẫn còn “vùng trũng” pháp luật, nhiều nơi người dân chưa có điều kiện, cơ hội để nắm bắt, thực hiện quyền mà pháp luật quy định một cách đúng đắn. Trong bối cảnh đó, nhằm góp phần bảo đảm quyền của người dân được PBGDPL và nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, Bộ Tư pháp đã xây dựng một khung mô hình PBGDPL để tất cả các chủ thể PBGDPL ở địa phương có thể sử dụng. Hội nghị diễn ra trong 02 ngày, các chuyên gia cần tập trung những vấn đề cốt lõi, trả lời cho học viên những vấn đề căn bản như khung mô hình gồm những nội dung nào, kết cấu ra sao, cơ sở khoa học – thực tiễn – quốc tế, việc đưa khung mô hình áp dụng tại địa phương cần chú ý đến vấn đề gì, chuẩn bị những điều kiện như thế nào…
Đối với học viên, cần nghiêm túc tiếp thu những kiến thức, kỹ năng chuyên gia chia sẻ; có thể tương tác, trao đổi lại với chuyên gia để kiểm nghiệm tính hiệu quả của khung mô hình trên thực tế có so sánh với khi chưa áp dụng khung mô hình.
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Rochelemagne Audrey-Anne cho biết, quyền tiếp cận công lý là một quyền cơ bản ở Liên minh châu Âu và là một khía cạnh then chốt để củng cố Nhà nước pháp quyền. Bằng chứng quốc tế cho thấy khả năng tiếp cận công lý và trao quyền hợp pháp là cơ bản để thúc đẩy các thể chế minh bạch và có trách nhiệm giải trình, thúc đẩy phát triển bền vững. Đây là lý do tại sao Liên minh châu Âu hỗ trợ các chương trình Tư pháp trên toàn thế giới nhằm tăng cường trao quyền về mặt pháp lý. Mỗi quốc gia nên xây dựng chiến lược riêng của mình để đảm bảo trao quyền hợp pháp cho công dân của mình, tùy thuộc vào đặc thù địa phương. Khóa đào tạo hôm nay đóng góp vào một trong những mục tiêu của EU JULE, đó là thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về quyền và tăng khả năng tiếp cận công lý.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Diana Torres nhấn mạnh, để tăng cường pháp quyền ở Việt Nam cũng như đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (đặc biệt là Mục tiêu 16), việc trao quyền hợp pháp cho mọi công dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số và người nghèo là điều kiện tiên quyết. Trao quyền hợp pháp chỉ có thể xảy ra khi mọi người nhận thức được pháp luật, nhận thức được các quyền của mình và biết cách viện dẫn và bảo vệ các quyền này. UNDP đánh giá cao nỗ lực bền bỉ của Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân và giảm chênh lệch tiếp cận công lý giữa các nhóm dân cư thông qua các chương trình quốc gia về phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, sự chênh lệch về khả năng tiếp cận công lý và các nhu cầu pháp lý vẫn còn tồn tại. Bà hi vọng, tài liệu khung mô hình này sẽ là nguồn thông tin hữu ích và có giá trị, hỗ trợ các nhà quản lý, cán bộ, đặc biệt là các tuyên truyền viên pháp luật củng cố thêm kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở địa phương. Trong tương lai, chương trình EU JULE sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn nữa để tăng cường thực hành truyền thông pháp luật trong việc nâng cao nhận thức của người dân về các quyền và khả năng hiểu biết pháp luật. Như mọi khi, UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận công lý và pháp quyền, qua đó đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Hội nghị được các chuyên gia tâm huyết hướng dẫn chi tiết các nội dung, việc áp dụng khung mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời nhận được sự tham gia của các học viên thông qua các hoạt động trao đổi, thảo luận sôi nổi.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Vệ Quốc cũng chia sẻ với các học viên về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc xây dựng, áp dụng khung mô hình nhằm đảm bảo quá trình tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật được bài bản, hiệu quả. Đồng chí cũng mong muốn các chuyên gia, học viên tiếp tục nghiên cứu, suy ngẫm, áp dụng khung mô hình vào thực tiễn để từng bước đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào nề nếp, đáp ứng mong muốn của người dân.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật