Bộ Tư pháp đã chủ trì, thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Đề án đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời xây dựng dự thảo 1 của Đề án. Để phát huy trí tuệ của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia phục vụ việc xây dựng dự thảo Đề án, ngày 15/12/2021, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo, Tọa đàm trao đổi về các giải pháp, tham vấn nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời góp ý dự thảo 1 Đề án đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL. Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Tọa đàm. Các đại biểu tham dự gồm thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập và một số Bộ, ngành, chuyên gia, địa phương liên quan.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh trong những năm qua, công tác PBGDPL đã có những chuyển biến nhất định và người dân đã quan tâm đến pháp luật, có ý thức tìm hiểu pháp luật, chấp hành pháp luật và sử dụng quyền của mình để tham gia vào các hoạt động xã hội. Công tác PBGDPL đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, sự phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, công tác PBGDPL vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa nghiêm túc. Báo cáo đánh giá của một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhận định về công tác PBGDPL còn mang tính “hình thức”, “phong trào” mà chưa đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân và xã hội.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác PBGDPL chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn là hiện nay chưa có cơ chế đánh giá hiệu quả, toàn diện công tác này ở các cấp bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đặc biệt là sự đánh giá, đo lường được mức độ chuyển biến nhận thức, ý thức, hành vi của người dân và xã hội khi sau khi thực hiện các hoạt động PBGDPL. Trong bối cảnh tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì công tác PBGDPL đang đứng trước yêu cầu cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước. Trong đó, Bộ Tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL một cách khách quan, chặt chẽ, khoa học trong từng lĩnh vực, địa bàn, với từng đối tượng cụ thể từ đó góp phần đưa công tác PBGDPL đi vào thực chất, đồng thời tạo cơ sở, căn cứ thực tiễn hoàn thiện thể chế, thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu, bối cảnh trong giai đoạn mới.
|
|
Tham gia phát biểu, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập Đề án đều nhất trí về sự cần thiết, quan điểm, định hướng xây dựng Đề án. Các ý kiến tập trung vào hoàn thiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đề án để đáp ứng yêu cầu Đề án trình Thủ tướng Chính phủ; định hướng xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu và cách đánh giá trong Bộ Tiêu chí bảo đảm tính minh bạch, độc lập, khách quan, toàn diện, khoa học, xuất phát từ thực tiễn thực hiện công tác PBGDPL, có sử dụng kết quả các bộ tiêu chí, chỉ số có liên quan; xem xét việc giao Bộ Tư pháp xây dựng Bộ Tiêu chí để bảo đảm tính linh hoạt trong từng giai đoạn; xác định rõ giải pháp về nguồn lực do việc đánh giá các tiêu chí cần nguồn lực tương đối lớn để bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện …
Kết luận Hội nghị, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa đánh giá cao chất lượng các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án. Đồng chí tiếp tục khẳng định việc ban hành Đề án trong giai đoạn hiện nay là cần thiết; Đề án cần tiếp tục hoàn thiện về mặt phạm vi, nội dung, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể về đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương; giao Bộ Tư pháp ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng khoa học, khả thi, công khai, minh bạch, dễ đo lường, không chồng chéo và kế thừa các tiêu chí có liên quan hiện hành. Đồng chí đề nghị bộ phận thường trực cần tiếp thu đầy đủ các góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhằm tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa dự thảo Đề án; đồng thời đề nghị các thành viên tham gia xây dựng Đề án tiếp tục phát huy vai trò, cho ý kiến đóng góp chuyên sâu vào dự thảo Đề án và tham gia tích cực các buổi trao đổi, thảo luận để hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật