Tại Tọa đàm, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL cho biết Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều điểm mới quan trọng về hình thức, nội dung và triển khai thực hiện.
“Các nguyên tắc đề ra trong Quyết định nhằm hướng tới người dân là trung tâm phục vụ, coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật; gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động Nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, bà Hoa nói.
Để tổ chức thực hiện các văn bản mới nêu trên bà Hoa cho biết ngoài Thông tư hướng dẫn thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1320/QĐ-BTP ngày 18/8/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; gắn nội dung và nhiệm vụ thực hiện Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân với thực hiện các nhiệm vụ của Quyết định và Thông tư.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp dự kiến triển khai một số hoạt động như: Tổ chức thông tin, truyền thông về ý nghĩa, mục đích và nội dung của các văn bản; Xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Kịp thời nắm bắt, hướng dẫn, giải đáp các vấn đề, nội dung mới trong tổ chức thực hiện Quyết định và Thông tư; Theo dõi, kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định trên thực tế để có giải pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời, đảm bảo tổ chức thực hiện Quyết định được nghiêm túc, thực chất, đồng bộ; Nghiên cứu xây dựng, quản lý, hướng dẫn vận hành phần mềm đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã chia sẻ một số kinh nghiệm hay, cách làm mới hiệu quả trong việc thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn trong thời gian qua. Theo ông Pha, một số địa phương đã tiến hành tổ chức một số cuộc đối thoại với nhân dân, tuy không thường xuyên nhưng đây cũng là dấu hiệu tốt rất đáng khuyến khích.
Để phát huy dân chủ ở xã phường, thị trấn, ông Pha cho rằng cần các giải pháp: Thứ nhất, tiêu chí “thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn” bao gồm 5 chỉ tiêu, chủ yếu là phải thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Đây là giải pháp cơ bản và chủ yếu nằm ngay trong Quyết định số 25 đó là: Phải làm sao để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân.
Lâu nay chúng ta chưa thật quan tâm cả về góc độ nghiên cứu cũng như góc độ thực tiễn về dân chủ trực tiếp mà mới chủ yếu tập trung vào dân chủ đại diện. Trong thực tế vừa qua ở nhiều nơi, các tổ chức có vai trò đại diện cho nhân dân như HĐND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên của MT làm chưa đầy đủ vai trò đại diện của mình. Một số nơi phức tạp, người dân bức xúc nhưng vắng bóng tiếng nói hoặc sự tham gia đầy đủ, có trách nhiệm của các tổ chức này. Chính vì thế, tôi cho rằng giải pháp làm sao để phát huy dân chủ trực tiếp của nhân dân là giải pháp quan trọng nhất.
Thứ hai, là tập trung xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thật sự chất lượng, đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội. Đây là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện dân chủ nói chung, dân chủ ở xã, phường, thị trấn nói riêng.
Còn bà Nguyễn Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính đã chia sẻ thông tin về trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện chỉ tiêu về tiếp cận thông tin tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Và theo bà Thoa, để tổ chức thi hành pháp luật về tiếp cận thông tin nói chung và các tiêu chí về công khai thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu hiệu quả thì cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về tiếp cận thông tin.
Cụ thể, các xã phải ban hành quy chế cung cấp thông tin nội bộ, trong đó quy định rõ đầu mối cung cấp thông tin, trách nhiệm của các cơ quan; Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức xã để hiểu rõ nhiệm vụ của mình, hiểu đúng quy định của pháp luật (loại thông tin nào phải cung cấp, phải công khai, bằng hình thức nào, thời hạn cung cấp thông tin, thời hạn công khai thông tin…). Đặc biệt là tăng cường cung cấp thông tin qua mạng để giảm tải cung cấp thông tin theo yêu cầu; Trang bị thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp thông tin; Phổ biến pháp luật để người dân hiểu yêu cầu cung cấp thông tin, công khai thông tin là quyền của mình; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về cung cấp thông tin…
Quý đọc giả
bấm vào đây để xem nội dung buổi Tọa đàm do nhóm phóng viên thực hiện.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam