Liên kết website

Chú trọng hỗ trợ nguồn lực để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân

13/06/2022

Đây là một trong những giải pháp đáng chú ý tại Dự thảo Đề án“Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến.

Một bộ phận người dân còn khó khăn trong tiếp cận thông tin
Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, các cơ quan nhà nước, cơ quan, chủ thể có thẩm quyền đã tích cực, chủ động thực hiện trách nhiệm và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho người dân tiếp cận pháp luật. Trong hoạt động PBGDPL, nội dung đã có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn; hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, thể hiện màu sắc, văn hóa của từng vùng miền, đem lại hiệu quả tích cực. Các thiết chế hành chính, tư pháp (tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý), tự quản cộng đồng (hòa giải ở cơ sở) từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng.

Nguồn nhân lực trong các cơ quan, thiết chế bảo đảm, hỗ trợ tiếp cận pháp luật, trong đó có luật sư, tư vấn viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, báo cáo viên pháp luật, tuyền truyên viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở đã phát triển về số lượng và từng bước nâng cao năng lực, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ tiếp cận pháp luật và bảo đảm quyền, lợi hợp pháp của người dân và các nhóm đặc thù, yếu thế…. Các chương trình, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đã chú trọng các giải pháp, nhiệm vụ nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho người dân.

Tuy nhiên Bộ Tư pháp cho rằng, một bộ phận người dân, trong đó có các nhóm đặc thù, yếu thế còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Nhận thức của người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống và việc hiểu biết, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích còn hạn chế. Qua khảo sát tại một số địa phương, tỷ lệ người dân nhận thức về một số quyền cơ bản và một số nội dung pháp luật còn thấp.

Thể chế, chính sách, các cơ chế bảo đảm công khai, minh bạch để người dân tiếp cận chủ trương, chính sách, pháp luật được thuận lợi, kịp thời, đầy đủ còn bất cập, chưa thông suốt, thuận tiện. Công tác PBGDPL chưa thực sự được quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chưa được đẩy mạnh. Một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhận thức chưa đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin, vẫn còn tâm lý e ngại khi cần yêu cầu cung cấp thông tin.

Đặc biệt, việc đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị và nâng cao năng lực của các cơ quan, chủ thể nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân chưa được quan tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc vùng đặc biệt khó khăn. Những yếu tố trên ảnh hưởng đến tiếp cận pháp luật, năng lực tiếp cận của người dân.

Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho nhóm đặc thù, yếu thế
Việc ban hành và thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” được Bộ Tư pháp xác định sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần bổ sung, bổ trợ cho các chương trình, đề án về PBGDPL đang được các bộ, ngành thực hiện, qua đó hướng đến mục tiêu cao nhất nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật.

Đề án xác định các giải pháp chủ yếu như hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế bảo đảm, hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các quy định pháp luật về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận thông tin, luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, các thiết chế bổ trợ khác; hoàn thiện quy định pháp luật nhằm nâng cấp và đổi mới hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hỗ trợ người dân tăng cường tiếp cận pháp luật được dễ dàng, thuận tiện.

Cùng đó, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế bảo đảm, hỗ trợ, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Trong đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan và cán bộ, công chức trong hoạt động cung cấp thông tin, PBGDPL, tiếp công dân, đối thoại, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn…

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp trong hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, gồm có năng lực tiếp cận thông tin pháp luật và năng lực sử dụng quyền, tự bảo vệ quyền.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho nhóm đặc thù, yếu thế (gồm 06 nhóm đối tượng theo quy định của Luật PBGDPL năm 2012). Đề án cũng giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương gồm Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thông tin đại chúng, báo chí, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam 
Các tin đã đưa ngày: