Công tác chỉ đạo, hướng dẫn về phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được lãnh đạo Ngân hàng nhà nước quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nề nếp, bài bản; công tác ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm được chủ động ban hành sớm từ Quý IV của năm trước. Năm 2022, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Ngân hàng nhà nước tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: Triển khai có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao ý thức chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong ngành; tiếp tục kiện toàn tổ chức, cán bộ, tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong các đơn vị báo chí, giảng viên trong các cơ sở đào tạo của ngành Ngân hàng, cán bộ phụ trách công tác Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; có các hình thức thi đua, khen thưởng xứng đáng nhằm động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành Ngân hàng; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành do Ngân hàng nhà nước chủ trì soạn thảo và các Thông tư do Ngân hàng nhà nước mới ban hành hướng dẫn về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối…
Cùng với việc ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngân hàng nhà nước chú trọng ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc hệ thống ngân hàng triển khai thực hiện “Ngày pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trong tuần lễ cao điểm tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật”, Ngân hàng nhà nước đã tổ chức nhiều hoạt động như: Thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong ngành ngân hàng về mục đích, ý nghĩa của Ngày pháp luật; thực hiện phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cung cấp tài liệu pháp luật, bài viết tuyên truyền đăng trên Cổng thông tin điện tử của Ngành, hoạt động trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật; thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục trực quan về Ngày Pháp luật qua chủ đề, khẩu hiệu Ngày pháp luật trên hệ thống bản điện tử, áp phích, pa-no, băng- rôn...
Trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Ngân hàng nhà nước đã phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng nhà nước tổ chức nhiều Hội nghị, tập huấn trực tuyến phổ biến, giáo dục pháp luật các quy định pháp luật về Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; triển khai Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cùng với việc tổ chức các Hội nghị tập huấn, ngành ngân hàng tổ chức nhiều hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, điển hình như: Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam phổ cập kiến thức ngân hàng, thực hiện chương trình truyền hình “Tay hòm chìa khóa”, đây là kênh hướng dẫn công chúng sử dụng an toàn các sản phẩm tài chính ngân hàng, thanh toán qua internetbanking, mobileking; phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức cuộc thi “Hiểu đúng về tiền năm 2021” cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Miền Bắc, thông qua cuộc thi trang bị cho sinh viên “kiến thức, kỹ năng tài chính thông minh - smart money”, kiến thức về tài chính, ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, các sản phẩm cho vay, hạn chế tín dụng đen, đầu tư, chi tiêu, tiết kiệm, hiểu biết về đồng tiền Việt Nam...
Để đáp ứng bối cảnh chuyển đổi số, Ngân hàng nhà nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc xây dựng các chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước: (i) Mục Thông cáo báo chí, trong đó có các nội dung về thông cáo báo chí về các văn bản quy phạm pháp luật mới trong ngành ngân hàng; (ii) Mục văn bản quy phạm pháp luật (liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật), đăng tải toàn văn các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; (iii) Mục phổ biến kiến thức trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối; (iv) Mục lấy ý kiến về dự thảo văn bản pháp luật; (v) Tổ chức tập huấn cho toàn ngành về các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành ngân hàng.
Trong tình hình đất nước có dịch bệnh Covid -19, Ngân hàng nhà nước đã đẩy mạnh phổ biến các quy định về phòng, chống dịch và các văn bản hướng dẫn các hệ thống ngân hàng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Từ đó góp phần cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch, thiết thực nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật phù hợp với tình hình, đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống ngân hàng./.
Đinh Quỳnh Mây
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật