Liên kết website

Tăng cường giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam

09/07/2022

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững, ngày 07/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Chương trình tập trung triển khai 04 nhiệm vụ: (i) Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới có giá trị; sưu tầm, lưu giữ, trưng bày các tác phẩm đặc sắc của các nghệ nhân tiêu biểu các cấp; (ii) Bảo tồn và phát triển, hỗ trợ nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, xét công nhận; xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; (iii) Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới thông qua việc phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống; (iv) Phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề (đối với các làng chưa có nghề: bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống; đối với các làng chưa có nghề: Thúc đẩy ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thông qua các hình thức học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động hiệu quả).
Nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, Chương trình đề ra 14 giải pháp: (i) Về quy hoạch: Rà soát, sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng; (ii) Xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Việt Nam; (iii) Khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; (iv) Hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới; (v) Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề, trong đó ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực tại các địa phương có điều kiện phù hợp; (vi) Xây dựng các bảo tàng làng nghề, khu giới thiệu quảng bá sản phẩm của nghề và làng nghề; ưu tiên xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển các giá trị của nghề, làng nghề theo hình thức xã hội hóa; (vii) Đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề; phát triển mô hình liên kết giữa các hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực; (viii) Chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Kết hợp công nghệ mới với kỹ thuật, công nghệ truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất; (ix) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu trong nước và quốc tế, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề theo các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến; (x) Xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chuỗi giá trị; (xi) Nâng cao chất lượng của các hiệp hội ngành hàng; đẩy mạnh nghiên cứu, phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; (xii)  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; (xiii) Rà soát, hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề, thu hút đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (xiv) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên thực hiện các dự án của Chương trình.
Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và quy định của pháp luật liên quan; kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép từ các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án liên quan; các nguồn vốn tài trợ, viện trợ, nguồn vốn hợp pháp khác từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Trung ương và địa phương căn cứ nội dung của Chương trình, chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối chủ trì Chương trình./.
Hoàng Hồng Sen
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: