Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra quy định về công tác lập và giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm, căn cứ kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền giao, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh cho ý kiến về phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Sau khi có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm, giao cơ quan chuyên môn cấp tỉnh hoàn chỉnh kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm của địa phương theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; trình UBND cấp tỉnh.
Ngoài ra, việc giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Trong đó, nội dung giao kế hoạch bao gồm tổng vốn, cơ cấu vốn ngân sách nhà nước theo từng chương trình và chi tiết đến nội dung, dự án thành phần; mục tiêu, nhiệm vụ và danh mục dự án đầu tư ưu tiên (nếu có).
Đối với công tác giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm, căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách trung ương và mục tiêu, nhiệm vụ hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ ngân sách nhà nước hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và tại Điều 83, Điều 84 Luật Đầu tư công năm 2019. Trong đó, làm rõ phương án phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc chi tiết đến nội dung, dự án thành phần (tổng mức và cơ cấu vốn) và danh mục dự án đầu tư.
Sau khi có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, giao cơ quan chuyên môn cấp tỉnh hoàn chỉnh phương án phân bổ ngân sách nhà nước, phương án giao mục tiêu, nhiệm vụ hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; trình UBND cấp tỉnh.
Giao dự toán ngân sách nhà nước, mục tiêu, nhiệm vụ hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
Đối với việc xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh giao cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chủ động xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với thực tế tổ chức thực hiện tại địa phương; trình HĐND cấp tỉnh ban hành quyết định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về trình tự ban hành danh mục loại dự án đầu tư áp dụng cơ chế đặc thù, căn cứ các quy định tại Chương IV và khoản 4 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh xây dựng và lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực đối với danh mục loại dự án đầu tư dự kiến thực hiện theo cơ chế đặc thù. Công văn xin ý kiến đề nghị nêu rõ thời hạn các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực cần có ý kiến trả lời UBND cấp tỉnh.
Đến thời hạn xử lý theo quy định, trên cơ sở ý kiến các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực nhận được, UBND cấp tỉnh quyết định danh mục loại dự án đầu tư thực hiện theo cơ chế đặc thù quy định tại Chương IV Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, quyết định hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh quyết định thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và áp dụng các thiết kế sẵn có đối với các dự án quy định tại Điều 14 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
Trong quá tình tổ chức, thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, các địa phương kịp thời có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ./.
Hoàng Mạnh An
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật