Liên kết website

Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2022

15/10/2022

Nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ “Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn” và tiêu chí tiếp cận pháp luật trong đánh giá nông thôn mới các cấp trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, ngày 12/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2003/QĐ-BTP phê duyệt Kế hoạch triển khai nội dung 04 thuộc nội dung thành phần số 08 và nội dung 01 thuộc nội dung thành phần số 11 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 năm 2022.

Theo đó, trong năm 2022, Bộ Tư pháp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí tiếp cận pháp luật trong bộ tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh. Theo dõi, hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai thực hiện, chấm điểm, đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025.
2. Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đánh giá tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu triển khai nhiệm vụ này tại địa phương, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ ở cơ sở (công chức tư pháp – hộ tịch, công chức tư pháp cấp huyện) trực tiếp tham mưu việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đánh giá, thẩm định tiêu chí tiếp cận pháp luật trong đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
3. Xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và các chính sách pháp luật liên quan đến người dân ở nông thôn nhằm hỗ trợ thực hiện tiêu chí phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cở sở.
4. Chọn điểm các địa phương  hỗ trợ tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng về phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật cho đội ngũ làm công tác này tại cơ sở.
5. Tăng cường kiểm tra, khảo sát nắm bắt tình hình triển khai đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức các Hội thảo, Tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tiếp nối chuỗi các hoạt hoạt động về công tác đánh giá, công nhận tiếp cận pháp luật đã được tổ chức tại Hà Giang, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Tĩnh trong năm 2022, trên cơ sở đề xuất của địa phương và qua theo dõi, quản lý, Bộ Tư pháp lựa chọn các tỉnh Long An, Bắc Kạn, Lâm Đồng để tổ chức các hoạt động nêu trên. Kế hoạch cũng giao Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai hiệu quả các hoạt động./.
Nguyễn Thị Tâm
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
File đính kèm
Các tin đã đưa ngày: