Liên kết website

Những chuyển biến tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ qua 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

15/09/2022

Có thể khẳng định giai đoạn 2012 – 2022 các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và đạt nhiều kết quả quan trọng. Điểm nhấn của công tác PBGDPL giai đoạn này là Hội LHPN các cấp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để PBGDPL cho hội viên và nhân dân.

Tại cấp Trung ương, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử của Hội, mạng xã hội zalo, facebook, fanpage…, vận hành Trang thông tin điện tử kết nối với Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố, trung ương để cán bộ, hội viên phụ nữ dễ dàng tiếp cận với các thông tin pháp luật chính thống, hữu ích. Trên Cổng thông tin điện tử của Hội, chuyên mục chính sách – pháp luật được duy trì thành nề nếp dưới dạng Hỏi – đáp pháp luật, các tình huống pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, đồng thời phát động cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống mua bán người trực tuyến, phòng, chống ma túy, tìm hiểu kiến thức, pháp luật về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân trực tuyến. Để nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng xử lý các tình huống pháp luật của hội viên, phụ nữ đồng thời nhằm mở rộng phạm vi đối tượng tiếp cận thông tin, trong năm 2021, các cấp Hội tiếp tục tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và địa phương nhằm giới thiệu về các chính sách, pháp luật mới liên quan đến phụ nữ, trẻ em, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, hành vi bị cấm trong sử dụng, quản lý pháo nổ (dịp Tết Nguyên đán), Luật Thanh niên, Luật Người khuyết tật, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Trẻ em, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Cư trú, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…; các văn bản liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 để tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nghiêm túc thực hiện, trong đó có tập trung cho các đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiêu biểu như Hội LHPN tỉnh An Giang đã tổ chức 35 điểm tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, kiến thức kĩ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho 1.751 người.

Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, kết hợp giữa hình thức tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp, cụ thể như tổ chức các hội thi (Hội thi “Kỹ năng tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ cho cán bộ Hội LHPN cơ sở” tại An Giang; hội nghị sinh hoạt chuyên đề tại Bắc Giang; tổ chức các lớp truyền thông (Khánh Hòa đã tổ chức 16 lớp truyền thông tại các xã, phường thuộc 8 huyện trong khuôn khổ đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” gắn với chủ đề năm 2021, tập trung vào nội dung phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; An Giang tổ chức 33 cuộc tại 11 huyện, thị xã, thành phố cho hơn 1.700 lượt hội viên, phụ nữ tham dự); tập huấn, sinh hoạt hội viên, tủ sách pháp luật (các cấp Hội Quảng Ninh đang duy trì hơn 184 tủ sách pháp luật với 31.170 đầu sách; qua zalo, facebook, fan page, trên Cổng Thông tin điện tử của Hội, trang web của Hội LHPN các các cấp. Một số tỉnh/thành Hội đã chủ động nghiên cứu, xây dựng chuyên mục Hỏi – Đáp pháp luật trên trang thông tin điện tử (Tỉnh Hội Bình Phước đã đăng tải, chia sẻ hơn 1.500 bài viết, hình ảnh, video clip tuyên truyền trên trang fanpgage và trang thông tin điện tử) và fanpage chính thức của Hội LHPN tỉnh trên mạng xã hội facebook; thành lập và duy trì nhóm Zalo phục vụ cho công tác tuyên truyền và trao đổi công việc (Bình Phước). Nhiều tỉnh/thành Hội đã chủ trì và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị để giới thiệu, tuyên truyền về các văn bản, luật pháp, chính sách mới có liên quan, tập trung vào các nội dung liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.

Thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, các cấp Hội đã tích cực và chủ động thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư. Giai đoạn 2012-2017, các cấp Hội tiếp nhận và xử lý 69.364 đơn thư, trong đó số vụ vi phạm quyền, lợi ích của phụ nữ được Hội phát hiện và báo cáo với các cơ quan chức năng có liên quan là 8.329 vụ việc và các cơ quan đã giải quyết là 5.928 vụ việc. Điển hình, năm 2018, các cấp Hội 63 tỉnh/thành phố (3 cấp) tiếp nhận và xử lý 5.011 đơn thư, nội dung đơn thư chủ yếu liên quan đến xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, chia tài sản khi ly hôn, đất đai (cao nhất là tỉnh Long An tham gia giải quyết 1.349 đơn thư khiếu nại về hôn nhân gia đình, tranh chấp).

Thông qua thành lập các Tổ tư vấn, tạo mạng lưới, tăng cường tham vấn chuyên gia là cán bộ của các cơ quan Tư pháp (Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em và tổ chức Hội; Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội LHPN Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em), các cấp Hội phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, tư vấn, lên tiếng, bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em. Một số tỉnh/thành thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình/Câu lạc bộ trong đó có phát huy vai trò của các chuyên gia, trí thức, đặc biệt là nữ trí thức trên các lĩnh vực nhằm hỗ trợ Hội thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em như: mô hình Tổ tư vấn cộng đồng (Chi hội phụ nữ khu phố/ấp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vận động, mời lực lượng trí thức trên địa bàn cùng Hội tham gia hoạt động “tình nguyện cộng đồng); CLB “Cán bộ nữ làm công tác bảo vệ pháp luật” (do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng thành lập với 60 thành viên là các cán bộ, đoàn viên, hội viên đang công tác tại các cơ quan nhà nước, đoàn thể, các Hội làm công tác pháp luật trên địa bàn tỉnh và đại diện cán bộ Hội LHPN các huyện, thành phố và cơ sở.

Đẩy mạnh hoạt động phối hợp tuyên truyền, vận động giữa các cấp Hội và Bộ đội Biên phòng, thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” các cấp Hội đã phối hợp vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Kết quả, đã tổ chức 6.297 buổi tuyên truyền, phổ biến cho 248.591 lượt hội viên, phụ nữ về các hiệp định, quy chế khu vực biên giới, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng, từ đó giúp chị em hội viên nâng cao cảnh giác, tích cực vận động gia đình chấp hành tốt quy chế khu vực biên giới, có ý thức, trách nhiệm tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Tô Thị Thu Hà
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: