Liên kết website

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

19/09/2022

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) (sau đây gọi chung là Dự thảo Luật) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Dự thảo có 13 Chương, 234 Điều. Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật cơ bản vẫn giữ nguyên và kế thừa các chính sách của Luật Nhà ở hiện hành, như một số quy định về giao dịch nhà ở do Nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý. Một số chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới có liên quan đến các nội dung như: sở hữu nhà ở; chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; phát triển nhà ở; chính sách nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; chính sách chung về quản lý, sử dụng nhà ở; quản lý, sử dụng nhà chung cư và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Về chính sách mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì chuyển sang quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo việc tra cứu, áp dụng pháp luật được thuận lợi và thực hiện thống nhất. Về đối tượng áp dụng, Dự thảo Luật giữ nguyên đối tượng áp dụng của Luật Nhà ở năm 2014, cụ thể là: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.

Tại Chương 1: Những quy định chung, Dự thảo Luật giữ nguyên các quy định trong Luật hiện hành về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, các hành vi bị nghiêm cấm. Dự thảo Luật chuyển quy định về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở, bảo hộ quyền sở hữu nhà ở sang Chương 2 (sở hữu nhà ở); sắp xếp lại một số quy định ở các Chương khác và đưa vào Chương này, cơ bản kế thừa nhưng có sửa đổi, bổ sung thêm nội dung như: chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở. Dự thảo Luật bổ sung mới quy định về giải thích từ ngữ (chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở); các hành vi nghiêm cấm (đưa nội dung quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên) như: Ký kết các văn bản huy động vốn; Bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; các hành vi trong quản lý, sử dụng nhà chung cư).
Tại Chương 2: Sở hữu nhà ở, Dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật hiện hành nhưng sắp xếp lại và đưa một số quy định tại các Chương khác liên quan đến chính sách sở hữu nhà ở vào Chương này như: quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở; bảo hộ quyền sở hữu nhà ở đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở; đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài; điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Dự thảo Luật bố cục lại các mục của Chương này, trong đó gồm: quy định chung về sở hữu, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài; đồng thời cơ bản kế thừa Luật hiện hành và sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung (trong đó có đưa các quy định từ Nghị định 99/2015/NĐ-CP lên) như: điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở; công nhận quyền sở hữu nhà ở; quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở; nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở; các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài; nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Về một số quy định bổ sung mới, Dự thảo Luật đưa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên về: cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; quy định khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam; các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở; quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư; thời hạn sở hữu nhà chung cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà chung cư; xử lý khi nhà chung cư còn thời hạn sở hữu; xử lý nhà chung cư khi hết thời hạn sở hữu.
Trong đó: quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã đề xuất 02 phương án (PA) sau: PA1: Bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng; PA2: Thời hạn sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.
Tại Chương 3: Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, Dự thảo Luật bố cục thành 01 chương mới gồm 3 mục (Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh) trên cơ sở kế thừa, sắp xếp các quy định tại Chương 1 của Luật hiện hành và sửa đổi, bổ sung thêm nội dung (trong đó có đưa các quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP lên) như: căn cứ xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; nội dung Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; kỳ xây dựng Chiến lược và thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; căn cứ và yêu cầu xây dựng chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; nội dung Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; xây dựng và phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; căn cứ xây dựng kế hoạch và kỳ kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; nội dung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; xây dựng và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh. Dự thảo Luật bãi bỏ quy định xây dựng và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm cấp tỉnh.
Tại Chương 4: Phát triển nhà ở, Dự thảo Luật cơ bản kế thừa và sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật hiện hành (trong đó có đưa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên) như: hình thức phát triển nhà ở; các loại hình nhà ở phát triển theo dự án và tiêu chuẩn diện tích nhà ở; quỹ đất để phát triển nhà ở; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở; điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây nhà ở thương mại; hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; quyền của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; kế hoạch phát triển nhà ở công vụ; dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và lựa chọn chủ đầu tư dự án; mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ; đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ; nguyên tắc xác định và việc thanh toán giá thuê nhà ở công vụ; trình tự, thủ tục thuê nhà ở công vụ và việc quản lý vận hành nhà ở công vụ; quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ; hình thức bố trí nhà ở phục vụ tái định cư; nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư; quỹ đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư; lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư; đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại hoặc sử dụng nhà ở xã hội để bố trí tái định cư; trách nhiệm quản lý chất lượng nhà ở phục vụ tái định cư; yêu cầu về phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn. Dự thảo Luật bổ sung mới quy định (trong đó có đưa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên và lấy nội dung từ quy định khác) như: quá trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở; thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân.
          Tại Chương 5: Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Dự thảo Luật dành 01 Chương có 3 mục (Quy định chung; Kế hoạch, quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) trên cơ sở tách nội dung này tại mục 2 Chương 7 của Luật hiện hành và đưa một số quy định từ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP lên như: thời hạn sử dụng nhà chung cư; các trường hợp phá dỡ nhà chung cư để cải tạo, xây dựng lại; các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; yêu cầu về kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; nội dung kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; nguyên tắc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời; bố trí nhà ở tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời.
Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm đáng lưu ý sau:
(1) Về các trường hợp phá dỡ nhà chung cư để cải tạo, xây dựng lại:
PA1: Có quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư
PA2: Không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư
 (2) Về bố trí nhà ở tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời:
PA1: Áp dụng đối với nhà chung cư có quy định về thời hạn sở hữu
PA2: Áp dụng cho nhà chung cư không quy định về thời hạn sở hữu
Tại Chương 6: Chính sách nhà ở xã hội, Dự thảo Luật kế thừa một số quy định trong Luật hiện hành và sửa đổi, bổ sung thêm nội dung như: đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội. Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định đáng lưu ý sau:
(1) Về quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội:
Phương án 1:
1. Khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, yêu cầu bắt buộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.
2. Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.
3. Ngoài quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền phải bố trí thêm quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại khu vực đô thị theo quy định sau đây:
a) Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị tại đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III thì phải dành diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ;
b) Tại các đô thị còn lại thì căn cứ vào nhu cầu về nhà ở thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Phương án 2:
Giữ nguyên các quy định hiện hành theo hướng đưa các quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP lên Luật.
 (2) Về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội:
Sửa đổi, bổ sung quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đất đai, đấu thầu. Đồng thời, đề xuất bãi bỏ quy định về lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu cho phù hợp với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
(3) Về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội:
Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội theo hướng:
- Được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với phần diện tích đất ở của dự án (bao gồm phần diện tích đất được ưu đãi), trừ phần diện tích đất dành xây dựng các công trình nhằm mục đích kinh doanh theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để kinh doanh; phần kinh doanh diện tích nhà ở thương mại này được hạch toán riêng và dùng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án.
- Trường hợp trong phương án quy hoạch chi tiết của dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng nhà ở thương mại trong phạm vi dự án thì được dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án để kinh doanh; phần kinh doanh thương mại này phải được hạch toán chung của toàn bộ dự án.
 (4) Về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội:
- Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng có tính đến các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp như: chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác.
- Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội theo 02 phương án:
Phương án 1:
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua đảm bảo nguyên tắc theo quy định của Luật này và trình UBND cấp tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Phương án 2:
Giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc theo quy định của Luật này. Sau khi quyết toán và kiểm toán nếu vượt định mức thì phải hoàn trả cho người mua, thuê mua theo quy định của Chính phủ.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội theo 2 phương án:
Phương án 1:
Cơ bản giữ nguyên quy định của Luận hiện hành nhưng có sửa đổi quy định bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này sau 5 năm nhưng chỉ được bán lại cho các đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo quy định; đồng thời bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân.
Phương án 2:
Bãi bỏ quy định thời hạn được bán lại nhà ở, nhưng bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội chỉ được bán lại nhà ở cho các đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo quy định; đồng thời bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân.
(5) Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương:
Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định:
- Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra việc dành quỹ đất và sự phù hợp của việc bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị; Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trích 10% tiền sử dụng đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để bổ sung vào một khoản mục riêng trong Quỹ đầu tư phát triển của địa phương, dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của dự án; giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn theo quy định của Chính phủ và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê theo quy định của Luật này.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung mới 02 mục về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang. Trong đó có một số điểm đáng lưu ý như:
- Chính sách nhà lưu trú công nhân:
+ Quy định đối tượng thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân bao gồm: Công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) và doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp.
+ Quy định doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.
          + Quy định Quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó.
+ Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân theo hướng doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được giao đồng thời làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà lưu trú công nhân.
- Chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang:
+ Quy định về đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang (trong đó có bổ sung thêm đối tượng viên chức quốc phòng, công chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
+ Quy định về điều kiện được hưởng chính sách nhà ở dành cho lực lượng vũ trang (theo hướng giao Bộ Quốc phòng và Bộ Công an và quy định về điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang).
+ Quy định khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
+ Quy định về quỹ đất quốc phòng, an ninh do các đơn vị quân đội, công an đang quản lý sử dụng nhưng trong quy hoạch không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nếu đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng và theo quy định của các pháp luật có liên quan thì được làm nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Tại Chương VII: Tài chính cho phát triển nhà ở, Dự thảo Luật sắp xếp lại và giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về vốn phục vụ cho phát triển từng loại nhà ở; sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành (trong đó có đưa quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên) như: các nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở; nguyên tắc huy động, sử dụng nguồn vốn cho phát triển nhà ở; vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH để phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, bổ sung mới một số quy định như: nguồn vốn của nhà nước để phục vụ cho phát triển nhà ở; hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở.
Tại Chương VIII: Quản lý, sử dụng nhà, Dự thảo Luật bổ sung một số quy định của Luật hiện hành (trong đó có đưa quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên) như: lưu trữ và quản lý hồ sơ nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử; quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; các trường hợp thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; các trường hợp nhà ở phải phá dỡ; yêu cầu khi phá dỡ nhà ở. Đồng thời, bổ sung mới một số quy định như: chuyển đổi công năng nhà ở; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Tại Chương IX: quản lý, sử dụng nhà chung cư, Dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật hiện hành, sắp xếp lại, đồng thời có sửa đổi, bổ sung làm rõ thêm theo hướng “Luật hóa” đưa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng đang phù hợp với tình hình thực tế lên nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý cao cũng như tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như: cách xác định diện tích sử dụng căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư; hội nghị nhà chung cư; ban quản trị nhà chung cư; quyền của Ban quản trị nhà chung cư; trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư; đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; quản lý vận hành chỗ để xe nhà chung cư; giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu; cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư; sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu; việc bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực có nhà chung cư, thời điểm bàn giao; bàn giao, tiếp nhận và quản lý, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật nhà chung cư sau khi bàn giao…
Tại Chương X: Giao dịch về nhà ở, Dự thảo Luật cơ bản kế thừa và sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành (trong đó có đưa quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên) như: hợp đồng về nhà ở; giao dịch mua bán nhà ở; xử lý đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn; bên thế chấp và bên nhận thế chấp nhà ở.
Tại Chương XI. Quản lý nhà nước về nhà ở, Dự thảo Luật cơ bản kế thừa và sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành như: nội dung quản lý nhà nước về nhà ở; trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Tại Chương XII: Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở, Dự thảo Luật bổ sung mới quy định về xử lý vi phạm trong giao dịch nhà ở xã hội trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở và bổ sung thêm quy định của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Tại Chương XIII: Điều khoản thi hành, Dự thảo cơ bản kế thừa và bổ sung mới các quy định xử lý chuyển tiếp đối với chính sách về sở hữu nhà ở; chính sách về phát triển nhà ở; chính sách về phát triển nhà ở xã hội; xử lý chuyển tiếp đối với chính sách tài chính; chính sách về giao dịch nhà ở; chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022) của Quốc hội khóa XV và thông qua dự án Luật vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023) của Quốc hội khóa XV. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024.
Tô Thị Thu Hà
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: