Liên kết website

Triển khai Ngày pháp luật: Vượt qua tính “hình thức”

10/07/2013

Để “Ngày pháp luật” chính thống đầu tiên được triển khai hiệu quả và thiết thực trên toàn quốc, đại diện nhiều cơ quan, tổ chức cho rằng, “cần lựa chọn một số hình thức có tính khả thi, phù hợp với từng địa phương, cơ quan, tổ chức để việc triển khai “Ngày Pháp luật” có kết quả hiện hữu”.

Tránh những “lối mòn”…

Ngày Pháp luật là “một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Hàng năm, Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn về việc tổ chức thực hiện sự kiện này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, tránh sự nhàm chán của những “lối mòn” mà công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và các sự kiện, hoạt động của công tác này dễ “lạc” vào, đưa sự kiện này trở thành sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, góp phần tạo chuyển biến mới về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày pháp luật nên Bộ Tư pháp dự kiến sẽ chọn chủ đề “Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống” với mục tiêu thiết thực, thực hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, cũng như đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đang được tiến hành.

Từ trước đến nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, từ truyền thống đến những cách làm đầy sáng tạo “tùy vào hoàn cảnh và khả năng của đơn vị tổ chức”. Trong số những hình thức này, Bộ Tư pháp dự kiến lựa chọn các hình thức: tổ chức lễ mititnh hưởng ứng Ngày pháp luật của các ngành, các cấp; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật lưu động, phát tài liệu pháp luật, triển lãm tranh ảnh, sách, báo, tài liệu, phim về đề tài pháp luật…

Theo đại diện Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, nên để tùy từng địa phương chọn hình thức tổ chức “Ngày pháp luật” phù hợp và cần nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng vì “hình thức này có tác động mạnh mẽ và rộng rãi đến cộng đồng dân cư”. Với nhận định, “Việc tổ chức Ngày pháp luật là rất khó” vì nhu cầu và khả năng của đơn vị tổ chức là không giống nhau, đại diện của Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) dẫn ra một hoạt động thiết thực của Bộ NN&PTNT là chọn một ngày để tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho những người có chức năng liên quan đến tuyên truyền pháp luật của ngành để nhấn mạnh, “quan trọng là đề ra được nội dung của hoạt động để tránh sự lãng phí, phô trương, hình thức”. Tán thành quan điểm này, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho rằng, nội dung triển khai Ngày pháp luật phải tương ứng với những yêu cầu chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị là rất khó nhưng việc hướng dẫn nội dung từng năm là hợp lý để đánh giá hiệu quả việc triển khai Ngày Pháp luật có trọng tâm, trọng điểm.

Khó khăn rồi sẽ thành “nếp”

“Dù khó khăn thì cũng phải “khởi động” để dần trở thành “nếp” cho các Bộ, ngành, địa phương về triển khai Ngày pháp luật” – đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và đào tạo) đề nghị. Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công an) nhấn mạnh, phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và địa phương nên việc triển khai Ngày Pháp luật là việc quan trọng. Nên có “tháng cao điểm về phổ biến giáo dục pháp luật” để “kéo dài” tác động của “Ngày pháp luật”, chứ nhiều nội dung của Ngày pháp luật vốn “trừu tượng” nếu chỉ tổ chức vào đúng ngày 9/7 thì sẽ hạn chế hiệu quả.

Dự kiến, các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật sẽ tập trung triển khai từ 4-9/11/2013, cao điểm là ngày 9/11 với các nội dung nhằm “thượng tôn pháp luật”, trong đó có biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong xây dựng, thực thi, phổ biến giáo dục pháp luật, gương người tốt việc tốt trong thực hiện pháp luật.

                              Huy Anh

Các tin đã đưa ngày: