Liên kết website

Quy định nội dung và mức chi đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

26/09/2022

Ngày 22/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 58/2022/TT-BTC quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (sau đây gọi là Thông tư số 58/2022/TT-BTC).

1. Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư số 58/2022/TT-BTC quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (sau đây gọi là Chương trình) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình (sau đây gọi là Quyết định số 1446/QĐ-TTg). Thời gian thực hiện giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại khoản 2 Mục II Quyết định số 1446/QĐ-TTg. 
Thông tư số 58/2022/TT-BTC không áp dụng đối với các khoản tài trợ, viện trợ thuộc ngân sách nhà nước đã có hướng dẫn riêng của cấp có thẩm quyền về chế độ chi tiêu tài chính. Trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thỏa thuận về nội dung, mức chi thì áp dụng theo nội dung, mức chi quy định tại Thông tư này.
2. Về đối tượng áp dụng: Đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước thực hiện các hoạt động theo nhiệm vụ được giao của Chương trình. 
3. Về nguồn kinh phí triển khai Chương trình
Nguồn ngân sách trung ương bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nguồn thu sự nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tham gia đào tạo của chương trình. Nguồn kinh phí của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp được áp dụng nội dung, mức chi quy định tại thông tư và tự đảm bảo kinh phí để thực hiện các hoạt động của chương trình...
4. Về nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của chương trình gồm: 
- Chi khảo sát đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp để xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và mô hình đào tạo phù hợp theo các lĩnh vực, ngành, nghề chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 triển khai trong chương trình; khảo sát, đánh giá năng lực, điều kiện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại trong Chương trình theo quy định của pháp luật: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.
- Chi nghiên cứu để vận dụng kinh nghiệm quốc tế về đào tạo các ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng nghề mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư triển khai trong Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 04 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
- Chi xây dựng chuẩn đầu ra ngành, nghề đào tạo mới và chỉnh sửa, bổ sung chuẩn đầu ra một số ngành, nghề cần bổ sung kiến thức, kỹ năng mới: Trình độ cao đẳng, trung cấp: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi là Thông tư số 15/2022/TT-BTC); Trình độ sơ cấp: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC. 
- Chi xây dựng danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với ngành, nghề đào tạo mới; sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với phần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới phục vụ triển khai chương trình đào tạo: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 16 Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
- Chi xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; xây dựng học liệu dùng chung cho các chương trình đào tạo: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 22 và khoản 7 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.
- Chi thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo trong Chương trình: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; quy định tại khoản 9 Điều 23 Thông tư số 15/2022/TT-BTC; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; quy định của pháp luật về đấu thầu và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Thông tư số 58/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2022. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế./. 
Trần Văn Tùy
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: