Liên kết website

Tổ chức họp góp ý dự thảo Báo cáo về phương pháp, cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

14/11/2022

Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) triển khai hoạt động “Nghiên cứu phương pháp, cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát tại các địa phương (Thành phố Hà Nội, Thanh Hóa và Đồng Nai), hiện nhóm nghiên cứu đã xây dựng xong dự thảo Báo cáo về phương pháp, cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Việt Nam (dự thảo Báo cáo). Ngày 10/11/2022, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và các chuyên gia của dự án (PGS.TS Vũ Thu Hạnh - Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam - Trưởng nhóm nghiên cứu và bà Virginia A. Nelder, chuyên gia quốc tế về quyền con người, xây dựng chính sách và pháp luật) tổ chức cuộc họp kỹ thuật góp ý dự thảo Báo cáo.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật nhấn mạnh sự cần thiết của việc đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) hiện nay phù hợp với những chủ trương, chỉ đạo mới của Đảng và Nhà nước đối với công tác này. Việc góp ý dự thảo Báo cáo sẽ là bước đầu tiên trong quá trình xây dựng Bộ công cụ phục vụ đánh giá hoạt động PBGDPL đi vào thực chất nhằm đáp ứng yêu cầu đối với công tác này trong thời gian tới, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Sau phần trình bày tóm tắt của PGS.TS Vũ Thu Hạnh - Trưởng nhóm nghiên cứu về quá trình xây dựng và các nội dung của dự thảo báo cáo, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL đã trình bày những vấn đề mà các đại biểu cần tập trung thảo luận, cho ý kiến, đó là các phát hiện, kết quả các cuộc khảo sát tại 3 địa phương: TP. Hà Nội, Thanh Hóa và Đồng Nai; đề xuất các định hướng thay đổi về phương pháp, cách thức đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL như: Về chủ thể thực hiện hoạt động đánh giá; tham khảo kết quả đánh giá trong các bộ chỉ số khác; về thời điểm, hình thức khảo sát, thu thập thông tin, điều tra xã hội học theo các mô hình kinh nghiệm trên thế giới.
Trên tinh thần cởi mở, xây dựng, các đại biểu trung ương và đại biểu, chuyên gia tại 03 địa phương khảo sát đã có những phát biểu đi trực tiếp vào những vấn đề trong dự thảo Báo cáo, theo đó, việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cần kết hợp giữa đánh giá theo quy trình với đánh giá căn cứ vào chuyển biến về nhận thức, hành vi tuân theo pháp luật của đối tượng được PBGDPL; cần phải lựa chọn lĩnh vực, địa bàn cụ thể để đánh giá. Đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL thực hiện trên cơ sở tự đánh giá của cơ quan, tổ chức, đơn vị và đánh giá của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc lấy phiếu khảo sát, phỏng vấn sâu để bảo đảm khách quan, toàn diện. Đồng thời, việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cần tham khảo kết quả đánh giá trong các bộ chỉ số khác có liên quan như: Bộ tiêu chí về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bộ chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS),  Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)...

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng được nghe chuyên gia quốc tế trình bày các phương pháp đánh giá và một số mô hình thực tiễn hay đang được một số quốc gia trên thế giới như: Indonesia, Mỹ, Canada... áp dụng. Trên cơ sở này, chuyên gia quốc tế đã đưa ra một số khuyến nghị và đề xuất nhằm hoàn thiện về phương pháp đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL tại Việt Nam trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Vệ Quốc cảm ơn các ý kiến góp ý chất lượng của các đại biểu, đồng thời chia sẻ sự đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu. Theo đó, công tác PBGDPL suy cho cùng là hướng tới giáo dục ý thức pháp luật cho người dân giúp họ hình thành nên thói quen và văn hóa sử dụng pháp luật trong cuộc sống hàng ngày. Hoạt động đánh giá PBGDPL sẽ được tiếp cận theo hướng kết hợp giữa đánh giá quy trình tổ chức với việc lượng hóa được kết quả đầu ra là việc sử dụng và vận dụng các thông tin được PBGDPL của đối tượng thụ hưởng trong cuộc sống hàng ngày./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: