Là một tỉnh miền núi phía Bắc trong điều kiện còn nhiều khó khăn, không có nguồn kinh phí riêng chi cho công tác hòa giải ở cơ sở
[1], tuy nhiên thời gian qua công tác hòa giải ở cơ sở của tỉnh Bắc Kạn đã được quan tâm. Hàng năm, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu triển khai công tác này. Công tác hòa giải ở một số đơn vị cấp xã, thôn, tổ đã có nhiều chuyển biến, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở trong cộng đồng dân cư và tổ chức hòa giải, giảm tỷ lệ đơn thư đề nghị, kiến nghị vượt cấp.Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở tại tỉnh Bắc Kạn còn một số tồn tại, khó khăn như đội ngũ tập huấn viên cấp huyện chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Các vụ việc hòa giải đã giảm qua các năm tuy nhiên tỉ lệ hòa giải thành tại một số đơn vị vẫn còn thấp; chưa tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên. Đa số tổ trưởng, hòa giải viên tổ hòa giải mới kiện toàn chưa được tập huấn, chưa có kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở. Việc nắm bắt, hiểu biết pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, vận động của đội ngũ hòa giải viên chưa đồng đều, một số hòa giải viên chưa thật sự tâm huyết với nhiệm vụ được giao, chưa thực sự nhận thức được về vị trí, vai trò của hòa giải viên trong công tác hòa giải ở cơ sở. Do vậy, việc kịp thời tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên trong công tác này là rất cần thiết.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã hướng dẫn các đại biểu tham dự hội nghị sử dụng Bộ Tài liệu Bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và áp dụng thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành; các kỹ năng cần thiết trong công tác hòa giải ở cơ sở như kỹ năng tiếp cận thông tin về vụ, việc hòa giải và nhu cầu của các bên; kỹ năng tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hòa giải; kỹ năng tra cứu, tham khảo, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở....
Đặc biệt tại Hội nghị, các báo cáo viên đã kịp thời giải đáp, hướng dẫn những ý kiến trao đổi, thắc mắc, khó khăn của các hòa giải viên trong quá trình hòa giải. Hội nghị sử dụng phương pháp tập huấn mới, tăng trao đổi tương tác giữa các đại biểu, kết hợp các trò chơi, hỏi đáp trực tiếp... tạo được sự hấp dẫn, thu hút và không khí sôi nổi trong suốt quá trình tập huấn.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với một số địa phương hạn chế về nguồn lực để làm điểm, tạo điều kiện cho các địa phương được tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại và kiến thức pháp luật mới, thông qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] Do không có nguồn kinh phí riêng chi cho công tác hòa giải ở cơ sở nên trên địa bàn đa số UBND cấp xã chỉ chi kinh phí thù lao cho các tổ hòa giải khi có vụ việc phát sinh (200.000đ/01 vụ việc, riêng UBND thị trấn Yến Lạc bố trí thêm kinh phí chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải), mức chi: 100.000 đồng/tổ hòa giải/tháng có vụ việc phát sinh).