Liên kết website

Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức tập huấn đội ngũ hòa giải viên ở cơ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

05/12/2022

Tiếp nối các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (Hà Tĩnh, Bắc Kạn), vừa qua Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho gần 100 đại biểu là các công chức tư pháp - hộ tịch và hòa giải viên thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người dân tộc thiểu số chiếm số đông 83.7%[1]. Do đó, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội. Chính vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tổ hòa giải ở cơ sở được thành lập, thường xuyên kiện toàn bảo đảm hoạt động kịp thời.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn chưa cao, đạt tỷ lệ 73%[2] (so với tỷ lệ trung bình của cả nước là 80%). Do đó, để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn tổ chức tập huấn điểm cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở của một số huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Hội nghị được tổ chức ngày 01/12/2022 dưới sự chủ trì, điều hành của đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa đã nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở và khẳng định thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài để góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết; tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tại Hội nghị, báo cáo viên của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã giới thiệu, hướng dẫn các kiến thức pháp luật hòa giải ở cơ sở (như nguyên tắc, phạm vi hòa giải ở cơ sở, thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành) và các kỹ năng cần thiết trong hoạt động hòa giải ở cơ sở (như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng khai thác và xử lý thông tin; kỹ năng tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hòa giải; kỹ năng tra cứu, tham khảo, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở....).

Tại Hội nghị, báo cáo viên cũng giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các hòa giải viên trong quá trình hòa giải. Hội nghị sử dụng phương pháp tập huấn mới, lấy người học làm trung tâm của hoạt động giảng dạy, tăng trao đổi tương tác giữa các đại biểu nên tạo được sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, lắng nghe của các đại biểu./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Như Tày, Nùng, Kinh, Sán Chay, Hoa, Dao, Mông.
[2] Báo cáo số 293-BC/TU ngày 25/11/2022 của Tỉnh ủy Lạng Sơn về tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 12/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Các tin đã đưa ngày: