Liên kết website

Tọa đàm khảo sát tình hình thực hiện Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội tại tỉnh Đồng Nai

26/09/2023

Chiều 26/9, tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) làm Trưởng đoàn đã tổ chức Tọa đàm khảo sát tình hình triển khai công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật và trọng tâm về tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” (Đề án 407) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tham dự Tọa đàm, về phía tỉnh Đồng Nai có Đồng chí Phan Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai; đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan tỉnh Đồng Nai: Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Đồng Nai.
Tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh thời gian qua, bên cạnh công tác PBGDPL, Đảng, Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm tới công tác truyền thông dự thảo chính sách thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành Đề án 407. Cùng với đó, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành địa phương thực hiện. Để có cơ sở thực tiễn báo cáo Hội đồng, đồng chí Phan Hồng Nguyên đã đề nghị đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan tại tỉnh Đồng Nai trao đổi, thông tin về những kết quả đã đạt được, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời, tập trung trao đổi, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong công tác truyền thông dự thảo chính sách của tỉnh Đồng Nai để kịp thời có giải pháp, kiến nghị phù hợp.
Trình bày Báo cáo Kết quả công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Quyết định số 407/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phan Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, công tác truyền thông dự thảo các chính sách đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện góp phần tạo sự đồng thuận xã hội đối với những chính sách trong quá trình xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính sách, đảm bảo tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của địa phương. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Đề án 407 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: không có bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách. Nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách được giao cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác PBGDPL với khối lượng công việc nhiều trong bối cảnh biên chế ngày càng giảm đã phần nào ảnh hưởng đến tính kịp thời, hiệu quả trong việc tổ chức triển khai thực hiện truyền thông các dự thảo chính sách và các nhiệm vụ của Đề án. Một số nội dung dự thảo cách chính sách chưa được truyền thông kịp thời, việc lấy kiến của Nhân dân đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hạn chế,...
Trên cơ sở báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và truyền thông dự thảo chính sách. Một số giải pháp quan trọng được các đại biểu thống nhất đề xuất như sau:
- Việc tổ chức truyền thông dự thảo chính sách cần kết hợp nhiều hình thức, đảm bảo phù hợp với đối tượng tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong quá trình tổ chức truyền thông để cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác và sâu rộng đến các đối tượng thụ hưởng chính sách, chịu tác động của chính sách và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Cần tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về tổ chức truyền thông dự thảo chính sách cho các địa phương bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp để triển khai thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả.
- Các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết ở trung ương tổng hợp những nội dung quan trọng có tác động đến lớn đến xã hội trong các dự thảo, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương bằng hình thức thích hợp để thực hiện truyền thông rộng rãi đến các đối tượng chịu sự tác động của chính sách.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Hồng Nguyên đánh giá cao các kết quả đã đạt được của tỉnh Đồng Nai và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu, tổng hợp và tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, đồng chí Phan Hồng Nguyên đã nêu ra các nội dung định hướng để tỉnh Đồng Nai quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này trong thời gian tới, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách; đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục nhân rộng, phát huy các mô hình truyền thông dự thảo chính sách có hiệu quả, có thêm những giải pháp mới; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong tập huấn kỹ năng PBGDPL, truyền thông dự thảo cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác PBGDPL của tỉnh Đồng Nai./.
Nguyễn Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: