Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 năm 2023. Luật Khám bệnh, chữa bệnh gồm 12 chương với 121 điều luật, tăng 3 Chương so với Luật hiện hành.
Các chương mới được bổ sung vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 bao gồm Chương VI về khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Chương VII về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, khám bệnh, chữa bệnh không vì mục đích lợi nhận; Chương XI về huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp. Từ thực tế diễn ra qua đợt dịch Covid, Luật đã bổ sung những quy định liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm, tình trạng khẩn cấp để kịp thời đối phó.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng bổ sung các quy định về chính sách của Nhà nước, về một số thủ tục hành chính theo hướng đơn giải hóa, tối đa các trình tự, quy trình, thủ tục, hồ sơ, như: quy định về Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử phải kết nối với Hệ thống thông tin, phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa...
Luật đấu thầu năm 2023
Luật Đấu thầu được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 23/6/2023. Gồm 10 chương với 96 điều, Luật được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu.
Luật Đấu thầu 2023 bổ sung quy định một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (Điều 23) về áp dụng hình thức chỉ định thầu; Điều 24 về chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá không quá 05 tỷ đồng; Điều 39 về giá gói thầu; về ưu đãi mua thuốc…
Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022
Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/6/2022 tại kỳ họp thứ 3. Luật có 8 chương, 96 điều luật.
Điểm mới cơ bản của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 là bổ sung thêm 02 nguyên tắc khen thưởng tại khoản 2 Điều 5 là thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (khoản 2 Điều 96); bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” cho cán bộ nghiên cứu giáo dục (Điều 64); bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Tsvhầy thuốc nhân dân” cho “hộ sinh” (khoản 1 Điều 65); bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” cho “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” tại Điều 66…
Bên cạnh đó các quy định về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng được sửa đổi theo hướng đơn giải, rút gọn, ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại mới./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật