Liên kết website

Kết quả khảo sát thực trạng về hiểu biết, kỹ năng, nhu cầu tìm hiểu tìm hiểu pháp luật và các hình thức tiếp cận pháp luật của người dân

19/04/2024

Xác định tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Một trong những mục tiêu của Đề án là“xây dựng, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật”.

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, năm 2023, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tiến hành khảo sát trực tiếp và qua phiếu về thực trạng hiểu biết, kỹ năng, nhu cầu tìm hiểu tìm hiểu pháp luật và các hình thức tiếp cận pháp luật của người dân tại các tỉnh: Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Trà Vinh. Việc tổ chức khảo sát nhằm đánh giá thực trạng nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân, từ đó tạo cơ sở cho việc hướng dẫn, chỉ đạo, xác định nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai các nhiệm vụ, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) bảo đảm phù hợp, hiệu quả; nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác PBGDPL và trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu pháp luật của người dân... Kết quả khảo sát là cơ sở để nghiên cứu, đề xuất chính sách, thể chế liên quan tiếp cận pháp luật của người dân, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đối tượng, vùng miền.
Kết quả khảo sát cho thấy, các địa phương đã triển khai nhiều hình thức PBGDPL để cung cấp thông tin pháp luật đến từng đối tượng cụ thể, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân. Về cơ bản, người dân nắm được những kiến thức cơ bản về quyền và nghĩa vụ của công dân phát sinh trong cuộc sống hàng ngày (như khai sinh, khai tử, độ tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, ly hôn,...). Tuy nhiên, việc nhận thức chưa sâu, chưa toàn diện. Trong thời gian tới, người dân đề xuất các cơ quan nhà nước tiếp tục PBGDPL về tất cả các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ như pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về đất đai, các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt các thủ tục hành chính. Người được khảo sát cho biết, họ thuận lợi tiếp cận thông tin pháp luật, tuy nhiên cũng phản ánh khó khăn trong việc khai thác thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (khó sử dụng, truy cập cần nhiều thao tác). Báo cáo khảo sát cũng đánh giá thuận lợi, khó khăn của công chức tham mưu nhiệm vụ quản lý nhà nước về PBGDPL.
Căn cứ kết quả khảo sát, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của người dân như sau:
(i) Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL nhằm góp phần giảm nghèo thông tin pháp luật và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
(ii) Tiếp tục chọn điểm một số địa bàn để triển khai phổ biến, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân, tập trung vào những lĩnh vực pháp luật người dân quan tâm (như đất đai, bảo vệ môi trường, hôn nhân và gia đình….). Cần xây dựng mô hình điểm nhằm về tăng cường nhận thức cho người dân về một lĩnh vực pháp luật đã khảo sát và tại địa bàn đã khảo sát cụ thể; sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng dẫn nhân rộng nếu thấy hiệu quả.Ngoài ra, cần hướng dẫn xây dựng thực hiện quy trình chuẩn trong triển khai các hoạt động PBGDPL; hướng dẫn kỹ năng tìm hiểu thông tin pháp luật, giới thiệu các địa chỉ trên môi trường Internet đáng tin cậy trong quá trình PBGDPL.
(iii) Trong bối cảnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công tác PBGDPL cần tập trung xây dựng, triển khai các Trang/Cổng thông tin điện tử về PBGDPL với những chức năng, tiện ích dễ sử dụng, dễ tra cứu. Đồng thời, song song với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thì trong giai đoạn tới, việc PBGDPL trực tiếp thông qua hội nghị, lớp tập huấn, cuộc họp cần tiếp tục được duy trì. Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, trước khi tiến hành PBGDPL cần khảo sát, đánh giá thực trạng nhận thức, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân từ đó xây dựng kế hoạch PBGDPL bảo đảm phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
(iv) Xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật thực hiện công tác PBGDPL theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt, nắm vững kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ này. Nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và những người có trình độ pháp luật tham gia công tác PBGDPL (luật gia, luật sư, giáo viên, giảng viên, sinh viên các trường chuyên ngành luật…).
(v) Tăng cường sự phối hợp liên ngành, phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cùng triển khai công tác PBGDPL gắn với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
(vi) Bố trí nguồn lực, kinh phí từ ngân sách nhà nước và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm triển khai công tác PBGDPL cho người dân./
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: