Liên kết website

Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương làm việc tại tỉnh Gia Lai

09/08/2024

Thực hiện Kế hoạch số 2652/KH-HĐPH ngày 23/5/2024 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (sau đây gọi là Hội đồng) về việc kiểm tra của Hội đồng trung ương năm 2024, chiều 07/8/2024, Đoàn kiểm tra của Hội đồng trung ương do đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Gia Lai.

Tham gia Đoàn kiểm tra có đồng chí Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng và một số thành viên là đại diện một số ban, bộ, ngành, đoàn thể: Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương; Vụ Pháp chế, Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ; Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ban Pháp luật, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Đồng chí Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã chủ trì làm việc với Đoàn kiểm tra cùng với các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, đại diện Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tại buổi làm việc, qua báo cáo của địa phương, Đoàn kiểm tra ghi nhận công tác PBGDPL của tỉnh Gia Lai được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và một số thành viên Hội đồng đã thể hiện được vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL. Công tác PBGDPL đã được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, trong đó chú trọng PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; đã áp dụng các hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng là người dân tộc thiểu số như: Xây dựng, phát sóng các phóng sự ngắn tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng ngôn ngữ Bahnar, Jrai phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai và phát trên nền tảng số của Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai; tổ chức hội nghị tập huấn pháp luật cho người dân tộc thiểu số, cán bộ cơ sở; các hội, đoàn thể, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; biên soạn tài liệu pháp luật. Tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, trong đó đã xây dựng và đang vận hành Trang Thông tin PBGDPL Gia Lai, thông tin, PBGDPL qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) . Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường đã có sự quan tâm phối hợp giữa ngành giáo dục, giao thông vận tải, công an...và được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với tình hình thực tế địa phương: Lồng ghép nói chuyện pháp luật trong sinh hoạt dưới cờ,  dụng các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội trong công tác này cũng đã được chú trọng thực hiện…
Công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hòa giải thành cao hơn so với cùng kỳ. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành đạt lệ 86,58%, trong đó năm 2023 đã hòa giải thành 87,45%, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, số lượng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh là 210/220 đơn vị cấp xã (đạt tỷ lệ 95,45%), so với năm 2022 là 90.9%. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 01 địa phương (xã Biển Hồ thuộc thành phố Pleiku) đạt “Tiêu chí số 16 - Tiếp cận pháp luật” trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Về kinh phí, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã bố trí hơn 13 tỷ đồng cho công tác PBGDPL.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng tỉnh đã thằng thắn nêu lên những hạn chế, khó khăn của công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh chất lượng chưa đồng đều. Một số báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chưa nắm vững nội dung pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ. Việc bảo đảm điều kiện, nguồn lực (nhân lực và kinh phí) còn chưa bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ. Kinh phí cấp cho công tác hòa giải còn khó khăn.
Trên tinh thần cởi mở và thẳng thắn, các thành viên Đoàn kiểm tra đã trao đổi, chia sẻ, đề nghị Hội đồng tỉnh bổ sung, làm rõ một số vấn đề như tình hình cập nhật tin, bài, thông tin pháp luật trên Trang thông tin PBGDPL; tình hình huy động đội ngũ luật gia, luật sư, người có kiến thức pháp luật tham gia công tác PBGDPL; hình thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình truyền thông dự thảo chính sách trong các dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024; nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các tranh chấp tại cơ sở; việc phân bổ kinh phí PBGDPL cho các sở, ban, ngành, đoàn thể; việc bố trí biên chế chuyên trách cho Hội Luật gia tỉnh; đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy môn giáo dục công dân, đạo đức, pháp luật trong các cơ sở đào tạo; việc bố trí kinh phí cho công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, đặc biệt là cho hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, kinh tế - pháp luật; tình hình thực hiện các văn bản, chính sách mới trong lĩnh vực tài nguyên môi trường (tài nguyên nước, xử lý rác thải) và nội vụ (tiền lương, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã…)…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra đề nghị Hội đồng tỉnh quan tâm, thực hiện một số nội dung sau: (i) Hội đồng, các thành viên Hội đồng cần chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực tiễn trong công tác PBGDPL, nhu cầu thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cụ thể và các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh để tổ chức các hoạt động PBGDPL phù hợp; (ii) Thực hiện có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ, đề án PBGDPL mới được ban hành, trong đó tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027“; Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”; Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2024-2030” và Đề án Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030"; (iii) Định kỳ tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở, trong đó tăng cường trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PBGDPL; (iv) Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, chú trọng mô hình, hình thức PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn (biên soạn và dịch tài liệu ra tiếng dân tộc thiểu số; xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiếu số...), chủ động nghiên cứu xây dựng, nhân rộng mô hình PBGDPL có hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; (v) Gắn kết chặt chẽ giữa công tác hòa giải ở cơ sở và công tác dân vận, kịp thời nắm bắt tình hình thi hành pháp luật để định hướng thông tin, phổ biến pháp luật, vận động người dân chấp hành pháp luật; (vi) Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí thỏa đáng để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, đồng thời quan tâm lồng ghép kinh phí PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với kinh phí thực hiện các nội dung về PBGDPL có chung mục tiêu trong các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tận dụng nguồn lực; phát huy vai trò của luật sư, luật gia, người có uy tín, lực lượng bộ đội biên phòng, công an cấp xã trong công tác này.
 
 Về các đề xuất, kiến nghị của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Đoàn Kiểm tra đã ghi nhận, giải đáp và sẽ tổng hợp đầy đủ để báo cáo Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương./.
T.K
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: