Liên kết website

Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương làm việc tại Bộ Công an

21/08/2024

Thực hiện Kế hoạch số 2652/KH-HĐPH ngày 23/5/2024 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (sau đây gọi là Hội đồng) về việc kiểm tra của Hội đồng trung ương năm 2024, chiều 21/8/2024, Đoàn kiểm tra của Hội đồng trung ương do đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại Bộ Công an.

 
Tham gia Đoàn kiểm tra có đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng và một số thành viên là đại diện một số ban, bộ, ngành, đoàn thể: Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương; Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân, Báo Bảo vệ pháp luật Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải; Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng; Ban Chính sách luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Hội đồng chủ trì làm việc với Đoàn kiểm tra cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp-Bộ Công an.
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp khẳng định: Công tác PBGDPL đã được Đảng ủy Công an trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an và các cấp ủy, Lãnh đạo Công an các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật. Lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã chủ động triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác PBGDPL, bám sát nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được đề ra tại Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, chỉ thị và văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về công tác công an.
Lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiện toàn bổ sung đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL trong CAND. Đến nay, số báo cáo viên pháp luật TW được Bộ Tư pháp công nhận là 421 đồng chí, số lượng làm công tác pháp chế, công tác tuyên truyền, PBGDPL là 3.658 người, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác PBGDPL. Bộ cũng giao Công an đơn vị, địa phương chủ động bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí thường xuyên phục vụ công tác pháp chế nói chung, PBGDPL nói riêng. Ngoài ra còn huy động nguồn kinh phí xã hội hoá.
 
 
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng, thành viên Đoàn kiểm tra trao đổi.
 
“Chúng tôi chủ trương mỗi cán bộ chiến sỹ công an là 1 tuyên truyền pháp luật, vi phạm pháp luật ở cơ sở phải được phát hiện, xử lý sớm, tránh để thành tội phạm”, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhấn mạnh.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cũng cho biết, “Bộ Công an rất coi trọng công tác truyền thông chính sách, pháp luật, không chỉ tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành mà còn các dự thảo chính sách để mọi cơ quan, tổ chức, người dân được sớm tiếp cận các quy định pháp luật ngay từ khi soạn thảo để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội. Công an các đơn vị, địa phương cũng chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL cho phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và các đối tượng đặc thù”.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, hạn chế là một số đơn vị, địa phương chưa theo kịp tình hình thực tiễn, đôi lúc còn nặng hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả, thiếu linh hoạt trong lựa chọn hình thức PBGDPL phù hợp với trình độ của người dân và đặc thù của địa bàn, chưa thu hút được sự quan tâm đông đảo của người dân; đội ngũ báo cáo viên, cán bộ làm công tác PBGDPL còn thiếu về số lượng, chủ yếu kiêm nhiệm; một số cán bộ thực hiện công tác PBGDPL chưa sử dụng thành thạo tiếng dân tộc nên khó khăn trong việc tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu…
Trên tinh thần cởi mở và thẳng thắn, các thành viên Đoàn kiểm tra đánh giá cao kết quả đạt được của Bộ Công an trong thời gian qua, đồng thời đã trao đổi, chia sẻ, đề nghị Bộ Công an bổ sung thêm vào trong báo cáo những kết quả đã làm được cũng như những bài học kinh nghiệm trong triển khai công tác PBGDPL để các bộ, ngành, địa phương học tập; làm rõ hơn một số vấn đề như việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, thực trạng công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường thuộc Bộ Công an, kinh phí triển khai công tác PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách…

Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp, thành viên Đoàn kiểm tra trao đổi, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của Bộ Công an.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định Bộ, ngành Công an luôn xác định
công tác PBGDPL là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Công an tiếp thu các ý kiến của thành viên Đoàn kiểm tra, tổng hợp bổ sung báo cáo kết quả công tác PBGDPL của Bộ, ngành Công an trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, trong đó nhấn mạnh, so với các bộ, ngành trung ương, Bộ Công an là cơ quan dẫn đầu về: (i) Công tác xây dựng pháp luật, vượt xa so với chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ XV (được Quốc hội thông qua 9 dự án Luật, với tỷ lệ rất cao), theo đó đi đầu trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật; (ii) Chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL nói riêng; (iii) Phủ xanh, chiếm lĩnh không gian mạng để tuyên truyền phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Phát biểu kết luận tại buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng, Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra đề nghị Bộ Công an quan tâm, thực hiện một số nội dung như: (i) Bổ sung thêm số liệu báo cáo để chứng minh thêm kết quả chúng ta thực hiện trong toàn lực lượng, nhất là số liệu ở địa phương; đánh giá thêm về hiệu quả, tác động của công tác PBGDPL đối với xã hội để báo cáo Hội đồng chỉ đạo triển khai mô hình hay, cách làm hiệu quả trên phạm vi toàn quốc; (ii) Trong triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL gắn với vận đồng quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021-2027” theo Quyết định số 1739/QĐ-TTg ngày 18/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thống nhất bố trí nguồn lực, triển khai tốt hơn nữa Đề án này; (iii) Đề nghị Bộ Công an tích cực phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm cùng Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030” (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành vào tháng 12/2024); (iv) Phối hợp với Bộ Tài chính lập dự toán kinh phí triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL gắn với vận đồng quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021-2027” theo các nội dung, định mức chi quy định tại Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ Tài chính và các quy định có liên quan để bảo đảm triển khai có hiệu quả Đề án; (v) Quan tâm xây dựng mô hình điểm về truyền thông chính sách ở một số địa phương trên cơ sở nguồn lực của địa phương và hỗ trợ của Bộ Công an... 
Về các đề xuất, kiến nghị của Bộ Công an, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận, giải đáp và sẽ tổng hợp đầy đủ để báo cáo Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương./.
Minh Tùy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

 

 
Các tin đã đưa ngày: