Phát biểu khai mạc, TS. Đỗ Xuân Lân khẳng định giáo dục pháp luật trong nhà trường có vai trò góp phần nâng cao ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý của công dân từ đó nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Sau hơn 25 năm thực hiện đưa giáo dục pháp luật vào dạy và học trong nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu. Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục pháp luật ngày càng sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn. Việc dạy và học pháp luật ở các cấp học được định hình rõ nét, đi vào nề nếp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thiết thực. Môn học Đạo đức trong các trường tiểu học, Giáo dục công dân trong các trường phổ thông, Pháp luật trong các trường trung cấp chuyên nghiệp, Pháp luật đại cương trong các trường đại học không chuyên luật được xác định là một nội dung quan trọng cấu thành chương trình giảng dạy. Đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy pháp luật, giáo dục công dân, đạo đức từng bước được chuẩn hóa, chất lượng được bảo đảm, cả về kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp. Công tác giáo dục pháp luật trong trường học, không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước mà còn phù hợp với xu hướng chung của thời đại. Trước yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục pháp luật theo tinh thần của Nghị quyết số 29/NQ-TW, giáo dục pháp luật với vị trí là một bộ phận của giáo dục đào tào cần phải được đổi mới nội dung, chương trình, đội ngũ giảng viên, giáo viên, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá… để thực hiện được mục tiêu giáo dục Việt Nam phát triển toàn diện.
Tọa đàm đã có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên dạy môn học pháp luật, môn Giáo dục công, đại diện Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh khu vực phía Bắc.
Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm là cơ sở để xây dựng Kế hoạch thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường trong thời gian tới.