Liên kết website

Một số kết quả nổi bật trong triển khai công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

23/09/2024

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 407). Nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong thời gian qua, công tác này luôn được Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Về công tác chỉ đạo, hướng dẫn
Trong 02 năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 09 văn bản chỉ đạo liên quan đến việc triển khai Đề án 407 trong đó có 05 Kế hoạch, 04 Công văn đôn đốc, hướng dẫn. Đồng thời, các nội dung, nhiệm vụ về truyền thông dự thảo chính sách cũng được đưa vào nội dung của Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2022 - 2026”, bảo đảm việc triển khai chủ động, kịp thời, phù hợp.
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng
nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Di sản văn hoá, Luật Quảng cáo, Nghị định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”, các văn bản quy định về chế độ chính sách trong đào tạo đặc thù ngành văn hoá, chế độ chính sách với người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn…. Việc triển khai kế hoạch truyền thông chính sách được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng dự thảo văn bản với đa dạng các hình thức như: Lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại Cổng Thông tin điện tử hoặc bằng văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức các hội nghị truyền thông chính sách, hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, tọa đàm lấy ý kiến theo các đối tượng khác nhau nhằm bảo đảm tính chuyên sâu của các ý kiến góp ý; truyền thông qua các cơ quan thông tin, báo chí, mạng xã hội; các chương trình biểu diễn nghệ thuật; truyền thông qua các cuộc điều tra, khảo sát… 

Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
 
Một số kết quả nổi bật:
 Cục Bản quyền tác giả tổ chức thành công 31 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và nhiều hình thức khác (gameshow, thi trực tuyến tìm hiểu về quyền tác giả, quyền liên quan...) để truyền thông chính sách và phổ biến các quy định pháp luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan… cho trên 6.100 lượt công chức quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan các địa phương; các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; các tổ chức phát thanh, truyền hình; các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường số; các hội văn học nghệ thuật; giảng viên, sinh viên một số trường Đại học trên toàn quốc; các cơ quan thông tấn báo chí...
Cục Văn hóa cơ sở đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 04 Hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng và dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại tỉnh Ninh Bình, thành phố Đà Nẵng và Hồ Chí Minh.
 Vụ Thư viện đăng tải đầy đủ, kịp thời các văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện (Luật Thư viện, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn...) và xây dựng các tin, bài giới thiệu, truyền thông chính sách để đăng tải trên Trang tin điện tử về hoạt động thư viện (http://vuthuvien.bvhttdl.gov.vn) và Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được đăng tải đầy đủ trên trang tin giúp để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, người dân vừa có thể tiếp cận, góp ý, trao đổi, góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực văn bản trong thực tiễn. Trong 02 năm 2023 - 2024, Vụ Thư viện thực hiện xây dựng gần 20 tin, bài truyền thông về văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách liên quan đến lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc đăng trên Trang tin về hoạt động thư viện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tổ chức 01 hội nghị và 01 lớp tập huấn với nội dung về thực thi các chính sách về bản quyền trong hoạt động thư viện; phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các phóng sự phát sóng trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, kênh H1 - Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội về công tác truyền thông các chính sách trong chuyển đổi số ngành thư viện và phát triển văn hóa đọc.
Một trong những hình thức truyền thông chính sách được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện hiệu quả là thực hiện truyền thông qua các phương tiện thông tin, báo chí. Theo đó, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm xây dựng kế hoạch truyền thông với từng văn bản. Với phương châm truyền thông chính sách từ sớm, từ xa, các đơn vị chủ trì xây dựng chính sách cử 01 lãnh đạo đơn vị trực tiếp tham gia, ký kết chương trình phối hợp với các đơn vị báo chí thuộc Bộ thực hiện truyền thông chính sách thông qua việc xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, tổ chức phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến; xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông phù hợp với đối tượng, địa bàn để cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thông qua đó thu hút được nhiều nhà quản lý, nghệ sỹ, người trực tiếp thụ hưởng chính sách, nhà khoa học, một số nhà báo chuyên theo dõi, am hiểu vể ngành văn hoá, thể thao và du lịch để cùng trao đổi, thảo luận về vấn đề lớn, tác động đến xã hội của chính sách; những bất cập cần tháo gỡ, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc những vấn đề mới chưa có pháp luật điều chỉnh… Đối với những vấn đề mới, vấn đề khó, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan quan chí xây dựng thành chuyên mục riêng, lấy ý kiến bình chọn về từng nội dung.
Sau khi tiếp nhận các ý kiến góp ý về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trung tâm Công nghệ thông tin có ý kiến bằng văn bản thông tin trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị chủ trì, tổ chức soạn thảo văn bản. Khi tiếp nhận các ý kiến khác nhau, ý kiến trái chiều về chính sách, đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo chính sách có nhiệm vụ tổng hợp, đưa ra phương án xử lý thông tin và xin ý kiến bộ phận chuyên môn, các cơ quan có liên quan và có tiếp thu, giải trình kịp thời, đảm bảo thông tin hai chiều. Do vậy, từ sau khi Đề án 407 được ban hành đến nay chưa có ý kiến trái chiều, gây bức xúc, tạo điểm nóng trong xã hội về dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tăng tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.
Việc thực hiện truyền thông chính sách đúng, trúng đối tượng, đúng thời điểm giúp nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua công tác truyền thông, mối quan hệ, vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông với cơ quan chủ trì xây dựng chính sách được phát huy, là cầu nối, hỗ trợ quan điểm, định hướng của hoạt động quản lý nhà nước đến với người dân. Ngược lại, cơ quan quản lý nhà nước cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện chính sách của nhà nước. Từ đó, không chỉ đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản, chính sách, mà còn tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống nói chung, đặc biệt là các chính sách liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình nói riêng./.
Nguyễn Thị Tâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: