Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự; đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng; nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân, dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) (hiện đang được Bộ Công an đăng lấy ý kiến tại địa chỉ
https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/van-ban-du-thao/du-thao-luat-thi-hanh-an-hinh-su-sua-doi-490.html.#parentHorizontalTab4) có một số điểm mới, sửa đổi, bổ sung, cụ thể như:
Thứ nhất, bổ sung phạm vi điều chỉnh về đối tượng hoãn chấp hành án phạt tù và tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; tại quy định về giải thích từ ngữ, để tạo cách hiểu thống nhất, dự thảo đã bổ sung các nội dung về thân nhân người chấp hành án, hoãn chấp hành án phạt tù, về thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, giám sát điện tử, hệ thống máy chủ giám sát điện tử; đồng thời bổ sung nguyên tắc về ứng dụng khoa học công nghệ trong thi hành án hình sự.
Thứ hai, về hệ thống tổ chức thi hành án hình sự, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự, dự thảo bổ sung quy định về tổ chức trại giam trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành về cơ cấu tổ chức của trại giam và sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể tổ chức bộ máy quản lý của trại giam; tổ chức của trại giam; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của trại giam; quyết định việc thành lập, giải thể, sáp nhập, quản lý trại giam, phân trại giam trong trại giam; ban hành danh mục, định mức xây dựng các hạng mục công trình trại giam, hệ thống kiểm soát an ninh và các hệ thống khác phục vụ quản lý cơ sở giam giữ của trại giam thuộc Bộ Công an quản lý; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của trại giam; quyết định việc thành lập, giải thể, sáp nhập, quản lý trại giam, phân trại giam trong trại giam; ban hành danh mục, định mức xây dựng các hạng mục công trình trại giam, hệ thống kiểm soát an ninh và các hệ thống khác phục vụ quản lý cơ sở giam giữ của trại giam thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn sửa đổi, bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự. Trong đó bổ sung thẩm quyền của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về “Quyết định điều chuyển phạm nhân giữa các cơ sở giam giữ”; thẩm quyền của Giám thị trại giam trong thực hiện trích xuất phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài trại giam, tiêm chủng; thẩm quyền của Giám thị trại tạm giam trong quyết định trích xuất phạm nhân phục vụ yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, quản lý, lao động, học tập; phạm nhân đến khu điều trị tại bệnh viện để phục vụ phạm nhân bị bệnh nặng không tự phục vụ bản thân được, phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại tạm giam phải đưa đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài trại tạm giam, tiêm chủng; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp người chấp hành án chết. Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án, các tài liệu có liên quan; đồng thời, bổ sung thẩm quyền ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt người chấp hành án hình sự tại cộng đồng bỏ trốn.
Thứ ba, về thi hành án phạt tù, dự thảo bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù; nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành án phạt tù; điều chuyển phạm nhân, nhiệm vụ, quyền hạn của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong điều chuyển phạm nhân đến cơ sở giam giữ khác; quy định về tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 54/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; nghĩa vụ của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; giải quyết trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể người và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này; giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù; bổ sung quy định về quyền được hiến mô, một phần bộ phận cơ thể, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định pháp luật về hiến mô, bộ phận cơ thể người của phạm nhân; tiếp nhận người chấp hành án phạt tù, trong đó bổ sung quy định về trách nhiệm thu thập thông tin sinh trắc học của người chấp hành án phạt tù trong trường hợp chưa có thông tin của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện khi tiếp nhận người chấp hành án phạt tù; hồ sơ phạm nhân; chế độ lao động của phạm nhân, tổ chức lao động cho phạm nhân; quy định về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù; quy định về thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; quy định về trích xuất phạm nhân, khen thưởng phạm nhân, xử lý phạm nhân vi phạm, trả tự do cho phạm nhân; quy định về chế độ ăn, ở đối với phạm nhân; chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân; chế độ gặp, nhận quà của phạm nhân; thủ tục thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; chế độ liên lạc của phạm nhân; chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân; thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết; tha tù trước thời hạn có điều kiện…
Thứ tư, dự thảo Luật bổ sung chương mới về giám sát điện tử, bao gồm quy định về phương thức giám sát điện tử; thực hiện giám sát điện tử; trung tâm giám sát điện tử; trách nhiệm của người bị giám sát điện tử; trường hợp không thực hiện giám sát điện tử.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các quy định về thi hành án, trong đó có một số nội dung về giải quyết trường hợp người được hưởng án treo có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú; trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú; trường hợp người chấp hành án phạt quản chế có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú. Sửa đổi, bổ sung quy định về thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất; chế độ gặp thân nhân, liên lạc, nhận quà của học sinh trường giáo dưỡng… Qua đó góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án treo, thi hành án phạt cảnh cáo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong công tác thi hành án hình sự.