Liên kết website

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP

01/11/2024

Chiều ngày 01/11/2024, tại Hội trường Khách Sạn Sao Mai, tỉnh Thanh Hóa, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá tổ chức thành công Hội thảo tham vấn ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Tư pháp các tỉnh: Lai Châu, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hoá; đại diện Sở Công Thương, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh Thanh Hoá; các tổ chức hành nghề luật sư, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
 

Tiến Sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục Trưởng Cục PBGDPL phát biểu khai mạc


Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa cho biết, hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% doanh nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Đất nước. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang quá chú trọng vào sản xuất, kinh doanh chưa thực sự có ý thức tự trang bị kiến thức pháp luật để doanh nghiệp có thể phát triển, bền vững, phòng tránh các rủi ro và hội nhập kinh tế quốc tế. Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai vẫn tồn tại một số hạn chế về quy định pháp luật và tổ chức thực hiện. Trong đó, có quy định về xây dựng đội ngũ tư vấn viên pháp luật chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, đặc biệt về thẩm quyền xây dựng, quản lý đội ngũ này; mức phí thù lao cho đội ngũ tư vấn viên pháp luật chưa tương xứng với các loại hình tư vấn khác theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp, mặc dù tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp là hoạt động chuyên môn đặc thù, khó, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, cũng như phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức; chưa quy định rõ đầu mối tiếp nhận khó khăn, vướng mắc của Doanh nghiệp; chưa phát huy các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp tham gia vào hoạt động HTPLDN; quy định về cơ chế phối hợp liên ngành trong xử lý, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN cũng cần phải nghiên cứu…Bên cạnh đó, thực hiện các Nghị quyết 66/NQ-CP  ngày 29//2024 của Chính phủ cần có các quy định bổ sung đối tượng để hỗ trợ pháp lý như doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội…
 

Đồng chí Nguyễn Tiến Khương, Phó trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Thanh Hóa (ảnh trái) và Đồng chí Nguyễn Thanh Tiến, Đại diện VCCI tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận
Đồng chí Nguyễn Thanh Hồng, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh (ảnh trái) và Đồng chí Lê Thị Hoa, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận
Đồng chí Kiều Văn Hưng, Trưởng phòng kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật tỉnh Bắc Giang phát biểu tham luận

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nêu ra những bất cập, vướng mắc tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, để các doanh nghiệp “đủ sức khỏe” cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, như xây dựng Cổng Thông tin điện tử văn bản pháp luật cho doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số, tra cứu văn bản trên môi trường số; xây dựng “địa chỉ” cụ thể để doanh nghiệp liên hệ tư vấn pháp lý; bố trí thêm kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, Bộ Tư pháp có thể nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, tham mưu quy định về chi phí thù lao tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp của luật sư, luật gia, chuyên gia pháp lý… Về các giải pháp thực thi có hiệu quả công tác này, nhiều đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tăng cường tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội nghị để đối thoại, lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp nhằm kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành để cùng cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp…
Để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa đề nghị các địa phương quan tâm tham khảo một số giải pháp sau: (i) Tăng cường truyền thông về công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cũng như các doanh nghiệp về hỗ trợ pháp lý cho DN; (ii) giao trách nhiệm cho sở, ngành, tổ chức đại điện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ trong thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (iii) Hàng năm cần ban hành kế hoạch, có bảo đảm nguồn lực và tổ chức thực hiện kế hoạch HTPL cho DN trên địa bàn tỉnh bám sát thực tiễn, nhu cầu của DN; (iv) các địa phương nên có phân công đầu mối thống nhất tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc pháp lý cho DN, đặc biệt xây dựng các kênh tiếp nhận trên cơ sở ứng dụng CNTT, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận với pháp luật; (v) thu hút, phát huy vai trò của luật sư, luật gia, chuyên gia pháp luật tham gia công tác này; (vi) Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại Hội thảo, Cục PBGDPL tổng hợp, nghiên cứu và phục vụ cho quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2019/NĐ-CP  trong thời gian tới./.

Anh Tú
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

 

 

 
Các tin đã đưa ngày: