Tham dự Tọa đàm có đại diện Lãnh đạo Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Lãnh đạo một số cơ quan báo chí, cơ quan chủ trì xây dựng một số dự án luật dự kiến được Quốc hội khoá XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 và phóng viên hơn 40 cơ quan báo chí, truyền thông. Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Toạ đàm.
Tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên cho biết năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Đến nay, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, cách làm cụ thể, thiết thực. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, thời gian vừa qua, trong một số bài viết, phát biểu, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, nhấn mạnh yêu cầu thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, tại kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua một số dự án Luật quan trọng. Trên cơ sở đó, đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm đẩy mạnh truyền thông nhằm lan tỏa các thông điệp, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật và chỉ đạo mới của đồng chí Tổng Bí thư về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật cần quan tâm tiếp tục truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức triển khai truyền thông, phổ biến các Luật này sau khi được Quốc hội thông qua bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Đồng chí Lê Thu Anh - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp phát biểu tại Tọa đàm
Với vai trò tham mưu công tác truyền thông về hoạt động của Bộ và ngành Tư pháp, đồng chí Lê Thu Anh - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp nhấn mạnh những đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí đối với Bộ Tư pháp nói riêng và với ngành tư pháp nói chung. Đồng chí khẳng định năm 2025 tới đây là một năm có ý nghĩa quan trọng với Bộ, ngành Tư pháp khi vừa triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành tư pháp, vừa tổ chức các hoạt động nhằm tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp mong muốn các đơn vị báo chí tiếp tục đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp trong công tác truyền thông, đồng thời đề xuất các đơn vị báo chí có thể đẩy mạnh truyền thông theo hướng chuyên sâu hơn, có nhiều tuyến bài nghiên cứu, bình luận toàn diện về đổi mới công tác xây dựng pháp luật.
Đồng chí Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Tọa đàm
Về phía các cơ quan báo chí, đồng chí Đoàn Thị Tuyết Nhung - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khẳng định việc tổ chức triển khai các nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tháng 11 của Thông tấn xã Việt Nam cũng như các cơ quan báo chí. Các đơn vị báo chí đánh giá cao việc phát động triển khai Ngày Phát luật Việt Nam hàng năm của Bộ Tư pháp và đề xuất cách thức, giải pháp nâng cao hoạt động truyền thông dự thảochính sách, phổ biến các dự án luật được Quốc hội thông qua; đề nghị đa dạng hóa các loại hình thông tin, lan tỏa trên nhiều nền tảng khác bên cạnh các loại hình báo chí truyền thống, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, tăng độ tiếp cận đối với các nhóm đối tượng đặc thù (đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ngoài hải đảo, công nhân tại các khu công nghiệp, cộng đồng người Việt Nam định cư tại nước ngoài và người nước ngoài định cư tại Việt Nam…). Đồng chí mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đặc biệt là các bộ chủ trì soạn thảo các dự thảo luật, từ đó đề nghị Bộ Tư pháp giới thiệu các chuyên gia về lĩnh vực pháp luật, phát huy vai trò đầu mối, tổ chức nhiều đợt truyền tải các thông tin có tính trọng tâm, trọng điểm đối với các luật có tác động sâu rộng tới xã hội.
Đồng chí Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, Cục Báo chí đều cung cấp thông tin về tình hình truyền thông chính sách cho Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và đánh giá cao sự phối hợp giữa 2 đơn vị trong thời gian vừa qua. Đồng chí đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác truyền thông dự thảo chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Kết thúc Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị báo chí, truyền thông, thể hiện rõ Tọa đàm là hoạt động của Bộ Tư pháp để truyền thông, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển./.
Mai Anh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật