Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên cho biết, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là công việc khó, có tính đặc thù khác với các lĩnh vực sản xuất biểu hiện bằng sản lượng, doanh thu cụ thể. Thực hiện nhiệm vụ được, ngày 10/3/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTP quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua sơ kết 03 năm thực hiện Thông tư đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa lượng hóa, phản ánh được thực chất công tác PBGDPL. Để việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL bảo đảm thực chất, khách quan, ngày 12/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL để cho 03 bộ, cơ quan ngang bộ, 06 địa phương thực hiện thí điểm trên cơ sở đó ban hành Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL phù hợp đặc thù riêng của bộ, ngành, địa phương. Ngày 09/9/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1666/QĐ-BTP ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL.
Đồng chí ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, tỉnh Sóc Trăng trong tham mưu triển khai xây dựng dự thảo Tiêu chí riêng bảo đảm đúng định hướng chung. Để dự thảo Tiêu chí riêng sau khi được ban hành bảo đảm tính khả thi, đồng bộ để triển khai thực hiện đánh giá; tính đặc thù của địa phương… đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung, phát huy trí tuệ, đóng góp sâu vào dự thảo Tiêu chí riêng.
Tại Phiên làm việc thứ nhất, bà Lê Thị Thúy Vi đại diện Phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng đã báo cáo tóm tắt dự thảo Quyết định ban hành Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL của tỉnh. Theo đó, việc lựa chọn lĩnh vực đánh giá thí điểm được lựa chọn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và phù hợp với tình hình thực tế của từng hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, lĩnh vực chính sách dân tộc (Ban Dân tộc), bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), bình đẳng giới (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), lĩnh vực quản lý nhà nước về hụi (Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Tú, huyện Cù Lao Dung). Mốc thời điểm đánh giá từ ngày 01/01/2025 đến ngày 01/10 hằng năm.
Trao đổi tại Tọa đàm, đa số các đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành cũng như nội dung dự thảo Tiêu chí riêng. Thời gian qua, công tác PBGDPL tại đơn vị, địa phương đã được quan tâm bố trí về nguồn lực kinh phí, con người thực hiện công tác PBGDPL, song hiệu quả triển khai thực hiện đến đâu thì chưa có công cụ đo lường, kiểm chứng cụ thể. Để hoàn thiện dự thảo Tiêu chí riêng, các đại biểu đã góp ý cụ thể về các chỉ tiêu trong Tiêu chí riêng như về mức độ thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL; mức độ đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số công tác PBGDPL, mức độ đánh giá của đối tượng thụ hưởng về chất lượng tổ chức hoạt động PBGDPL cụ thể; việc thu thập thông tin khảo sát đánh giá của đối tượng thụ hưởng; về tiêu chí xây dựng Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL khi tại đơn vị cấp xã không có Hội đồng phối hợp PBGDPL...
Tại Phiên làm việc thứ hai, ông Lê Xuân Quý, đại diện Phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã trình bày tóm tắt dự thảo Quyết định ban hành Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL của tỉnh. Việc nghiên cứu xây dựng Quyết định ban hành Tiêu chí riêng bám sát định hướng tại Quyết định 1666/QĐ-BTP. Cụ thể, về Nhóm tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra của hoạt động PBGDPL của địa phương, sẽ đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL liên quan đến: Luật Đất đai năm 2024 (Sở Tài nguyên và Môi trường); phòng, chống ma túy tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội); quy định pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất); phòng, chống bạo lực gia đình thông qua câu lạc bộ «Phụ nữ với pháp luật» trên địa bàn xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ.
Kết luận Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham dự Tọa đàm, chia sẻ những khó khăn của địa phương trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Tiêu chí riêng. Đồng chí khẳng định, cách tiếp cận hiệu quả đã thay đổi so với trước đây, không phải là tổ chức được bao nhiêu hội nghị, tọa đàm... mà đi vào chiều sâu đó là ý thức pháp luật của người dân được nâng lên như thế nào? Căn cứ vào Tiêu chí riêng được ban hành, các cơ quan, đơn vị được chọn điểm tự đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL triển khai, kết quả đạt được không phải để xếp hạng thi đua, khen thưởng, đánh giá cán bộ, công chức. Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm, đề nghị 02 Sơ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Quyết định ban hành Tiêu chí riêng, lượng hóa cụ thể các chỉ tiêu đánh giá; rà soát kỹ vấn đề kỹ thuật văn bản; sớm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đánh giá, bố trí nguồn lực thực hiện và gửi Cục PBGDPL bảo đảm thống nhất trong các cơ quan, địa phương thực hiện thí điểm./.