Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện chủ trương đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác truyền thông dự thảo chính sách và phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc đưa chính sách, pháp luật đi vào đời sống, tạo sự đồng thuận xã hội cao trước khi thông qua các văn bản quy phạm pháp luật cũng như đóng vai trò quan trọng trong công tác thi hành pháp luật. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo tăng cường truyền thông dự thảo chính sách. Thực hiện Đề án 407, Bộ Tư pháp đã biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức tập huấn điểm cho các đối tượng theo quy định tại Đề án nhằm thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách tại một số địa phương và nâng cao năng lực cho công chức quản lý, tham mưu công tác này về kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, TS. Lưu Huyền Trang đã tập huấn, chia sẻ các chuyên đề: (1) Kỹ năng xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách; (2) Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua các chuyên đề này, các đại biểu đã được lắng nghe, trao đổi, thảo luận phương pháp thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, báo cáo viên đã gắn các nội dung của chuyên đề với thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách theo yêu cầu của Đề án 407 nói chung và trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum. Qua Hội nghị, một số khó khăn, hạn chế của các đại biểu cũng được báo cáo viên giải thích, hướng dẫn cụ thể, giúp các đại biểu hiểu rõ và thống nhất cách hiểu đối với các thuật ngữ “truyền thông”, “truyền thông chính sách”…
Đồng chí Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật làm báo cáo viên tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã thông tin tới các đại biểu về những kết quả đã đạt được sau 02 năm thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2024 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Trong thời gian qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo về đổi mới tư duy xây dựng, thi hành pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, để kịp thời phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trong bối cảnh đó, công tác truyền thông dự thảo chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng cần phải đổi mới cả về tư duy và cách thức tổ chức thực hiện. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần được tăng cường hơn trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu truyền thông “từ sớm, từ xa” theo Đề án 407. Các bộ, địa phương chú trọng xây dựng và triển khai kịp thời kế hoạch tổ chức truyền thông các dự thảo chính sách, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, đối tượng tác động tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo đồng thuận cao trong tuân thủ, chấp hành pháp luật sau khi được ban hành.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã sôi nổi tham gia trao đổi, tương tác với báo cáo viên về các các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác truyền thông dự thảo chính sách tại địa phương. Các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao chất lượng và hiệu quả tổ chức Hội nghị này. Thông qua Hội nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng nắm bắt được thực trạng công tác truyền thông dự thảo chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian qua và sẽ có những hướng dẫn, chỉ đạo để địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.
Lê Hồng Hạnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật