Chủ trì chương trình khảo sát có TS. Đỗ Xuân Lân, Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Thanh Reo – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau. Tham dự chương trình còn có bà Vũ Thu Hồng, đại diện Văn phòng Dự án GIG và hơn 70 đại biểu đại diện các Sở Tư pháp Cà Mau, Bến Tre, Điện Biên, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp Hộ tịch cấp xã và đại diện Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực tham gia thảo luận, trao đổi một cách cởi mở và thẳng thắn về những vấn đề gợi ý thảo luận. Xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật – nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong quản lý xã hội bằng pháp luật và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tại Tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất rằng nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền đánh giá một cách có hệ thống, đồng bộ và toàn diện thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; từ đó nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở trong thi hành pháp luật, thực thi công vụ, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền con người, quyền công dân. Qua đó, nhiệm vụ này còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tại cấp cơ sở.
Các đại biểu nhấn mạnh cần xác định việc triển khai nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của hệ thống chính trị mà không nên coi đó là nhiệm vụ của riêng ngành tư pháp. Theo đó, để triển khai tốt nhiệm vụ này, cần quy định cụ thể, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành; đồng thời tăng cường công tác phối hợp và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức đoàn thể dưới sự chỉ đạo của Đảng; bảo đảm có sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương đối với các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành đó.
Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng tiêu chí tiếp cận pháp luật nên được lồng ghép vào bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở phải được thực hiện gắn kết, lồng ghép với các tiêu chí có liên quan đến người dân nhất là tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí chính quyền trong sạch, vững mạnh, tiêu chí văn hóa. Việc lồng ghép sẽ giúp nâng cao nhận thức của chính quyền cấp cơ sở và huy động được các nguồn lực cần thiết để đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của người dân, bảo đảm sự thống nhất, tiết kiệm thời gian, nguồn lực.