Phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát nhiệm vụ kinh tế xã hội
Nhìn lại năm 2011 có thể thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt nhiều thành công. Đầu tiên phải kể đến việc toàn Ngành đã tập trung phổ biến pháp luật phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Đây là hai sự kiện chính trị nổi bật và đặc biệt quan trọng của đất nước. Cùng với các ngành, Tư pháp nhiều nơi đã chủ động, nỗ lực, góp phần vào nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, góp sức vào thành công của Đại hội Đảng và cuộc bầu cử “hai trong một”. Tư pháp cơ sở cũng đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương để tham mưu và triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả.
Năm 2011, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục mở rộng. Bên cạnh các hình thức truyền thống như tuyên truyền qua hội nghị, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua tủ sách pháp luật, câu lạc bộ, tổ hòa giải, cấp phát tài liệu... thi tìm hiểu pháp luật đã được nhiều địa phương tổ chức trong năm qua: Thi hộ tịch viên giỏi, thi hòa giải viên, tuyên truyền viên... các cuộc thi không chỉ cổ vũ, động viên những người trong ”nghề” mà còn có tác dụng phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng vạn lượt người xem.
Công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục được kiện toàn về tổ chức bộ máy. Hệ thống trợ giúp pháp lý trong toàn quốc tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Đến nay, toàn quốc có và 187 Chi nhánh (tăng 12,8% so với năm 2010) với 4.454 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (tăng 11% so với năm 2010) và 1.012 cán bộ (tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2010); có 9.626 Cộng tác viên trợ giúp pháp lý (tăng 11% so với năm 2010), trong đó cấp tỉnh có 2.260 công tác viên, cấp huyện có 3.088 cộng tác viên, cấp xã có 3.337 cộng tác viên. Chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao, hướng mạnh về cơ sở, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, năm qua, các địa phương đã đồng loạt triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” hiệu quả và rộng khắp. Tính đến ngày 30/9/2011, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 05 bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện mô hình “Ngày pháp luật” và qua đánh giá bước đầu cho thấy, việc thực hiện Ngày Pháp luật ở các địa phương, Bộ, ngành đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật nhận được sự đồng thuận cao
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật đã được trình ra Quốc hội cho ý kiến. Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết ban hành và nhiều nội dung lớn của dự án Luật.
Dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 5 chương, 43 điều. Trong đó, một trong những vấn đề đáng chú ý là quy định lấy ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật.
Mô hình Ngày Pháp luật được đánh giá là một cách làm mới, tích cực. Trong Ngày Pháp luật này, cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hoạt động thiết thực; tập trung phổ biến, giáo dục các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức, các văn bản pháp luật mới về quyền và nghĩa vụ của công dân, gắn với đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cung cấp tài liệu hoặc giới thiệu nội dung văn bản pháp luật sẽ phổ biến để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân nghiên cứu trước nhằm hiểu sâu hơn và đặt câu hỏi thảo luận khi sinh hoạt pháp luật.
Cũng trong Ngày Pháp luật, các cơ quan, đoàn thể tổ chức khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Dự kiến Dự án Luật trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.
Hương Bằng
Năm 2012, ngành Tư pháp xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong toàn quốc, tập trung vào một số vấn đề nóng như ùn tắc giao thông, môi trường, đất đai. Hoàn chỉnh trình Quốc hội ban hành và chủ động triển khai hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Hòa giải cơ sở trình Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và “Ngày Pháp luật”.