Liên kết website

Phổ biến giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm: Phấn đấu giảm từ 50% đến 70% số người và số vụ vi phạm pháp luật

02/07/2012

Sáng ngày 29/6/2012, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã cho ý kiến về Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 – 2016”, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền.

Tập trung cho những địa bàn trọng điểm

Tuy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được đầu tư, thực hiện thường xuyên và cũng đã góp phần làm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo dân cư, song do mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế vẫn có những ảnh hưởng tiêu cực khiến tình hình vi phạm pháp luật không thuyên giảm trước những nỗ lực của toàn xã hội và các cơ quan chức năng.

Mặc dù hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên toàn quốc, trong tất cả các lĩnh vực, nhưng vẫn có những địa bàn được xác định là trọng điểm về vi phạm pháp luật như các thành phố lớn, khu đô thị tập trung đông dân cư; vùng, địa phương thuần nông đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; vùng, địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; vùng, địa phương có khu đô thị, khu công nghiệp tập trung; vùng, địa phương thuộc khu vực biên giới, hải đảo.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý, đây là những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến hành vi phạm tội, cần được tăng cường hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với cán bộ, công chức, nhân dân và các đối tượng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, để nâng cao nhận thức của người dân, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết và cả do cố tình “lách luật”, “qua mặt” pháp luật vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Nâng cao rõ rệt ý thức chấp hành pháp luật

Với hy vọng, cải thiện tình hình chấp hành pháp luật và thay đổi tích cực cho các báo cáo hàng năm về tình hình vi phạm pháp luật ở các địa bàn trọng điểm, dự thảo Đề án xác định mục tiêu, đến hết năm 2016, nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật của cán bộ, công chức, nhân dân tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật được nâng cao rõ rệt, đồng thời giảm hẳn số lượng vụ việc và người vi phạm pháp luật (giảm từ 50% đến 70% số người và số vụ vi phạm pháp luật), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, đất nước nói chung. Đồng thời, nâng cao năng lực cho người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn này.

Từ đặc thù của các địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật, dự thảo Đề án xác định các lĩnh vực pháp luật cần tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật là đất đai, môi trường, ma túy và các tệ nạn xã hội, buôn bán người, an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm – những vấn đề đang gây bức xúc, hoang mang trong dư luận, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, sự ổn định của xã hội.

Dự kiến Đề án sẽ được thực hiện thành hai giai đoạn (2013-2014 và 2015-2016), tại 18 tỉnh thuộc 6 khu vực trên toàn quốc (Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long) từ quý I/2013 đến cuối năm 2016./.

H.Giang

Các tin đã đưa ngày: