Tại Hội nghị, buổi sáng các báo cáo viên đã được nghe Tiến sĩ Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính giới thiệu chuyên đề “Cải cách thủ tục hành chính - công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng”. Thủ tục hành chính là công cụ quan trọng để cơ quan hành chính thực hiện việc quản lý đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, nếu thủ tục hành chính rườm rà, bất hợp lý, phức tạp, tổ chức thực hiện không tốt là cơ hội cho tệ tham nhũng, cửa quyền nảy sinh, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền và là lực cản của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó cho thấy, việc cải cách thủ tục hành chính giúp phòng ngừa tham nhũng cần thông qua 03 hoạt động cụ thể: trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua cho ý kiến, thẩm định thủ tục hành chính giúp sàng lọc các thủ tục hành chính cần thiết, hợp lý; trong công bố, công khai thủ tục hành chính để minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước; trong việc rà soát các thủ tục hành chính lạc hậu không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, hoặc hủy bỏ.
|
|
Buổi chiều các báo cáo viên được đồng chí Nguyễn Thắng Lợi - Phó Chánh thanh tra Bộ Tư pháp giới thiệu 02 chuyên đề: “Vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam” và “Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số quốc gia trên thế giới”. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta những năm qua còn thấp (năm 2013: dưới 10%, năm 2014: trên 22%), xuất phát từ các nguyên nhân như: chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ nên đã chủ động tiêu hủy giấy tờ, tẩu tán tài sản; nhiều vụ tham nhũng khó cá thể hóa trách nhiệm; cất giấu tài sản ở nước ngoài; nhiều trường hợp cơ quan tố tụng chưa chú ý, không áp dụng biện pháp kịp thời… Khắc phục tình trạng này, hội nghị cũng bàn về các giải pháp như: bổ sung các văn bản pháp luật quy định trách nhiệm của cơ quan pháp lý, cơ quan chủ quản trong phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng; quy định hoàn trả tài sản là bắt buộc; xác định rõ tài sản của cá nhân, tổ chức có liên quan; cần có hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực hiện Công ước trong đó cụ thể về thu hồi tài sản,… Báo cáo viên cũng nêu kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapo, Liên bang Nga, Nhật Bản. Qua đó giúp đại biểu thu được kiến thức bổ ích về hoạt động phòng chống tham nhũng trong nước và quốc tế.