Tới dự Hội thảo là các đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đại diện các Sở, ban, ngành các tỉnh Điện Biên, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo huy động trí tuệ, tham vấn ý kiến đại biểu các Bộ, ngành, 05 tỉnh, thành phố được chọn triển khai làm thử và các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đưa ra đề xuất, giải pháp bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ, gắn kết các chủ trương, chính sách pháp luật về xây dựng nông thôn mới, xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới.
Qua thời gian gần 03 năm thực hiện triển khai đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc đánh giá cũng bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc, bất cập, trong đó nổi cộm là các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật quá rộng, bao trùm hầu hết các lĩnh vực quản lý của đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến nhiều Bộ, ngành; một số chỉ tiêu, tiêu chí còn quy định chung chung, chưa phù hợp, chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn với một số Bộ tiêu chí có liên quan do các Bộ, ngành đang áp dụng... Trong khi đó, đối với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai từ năm 2010 đến nay, việc triển khai nhiệm vụ này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng mặt khác, thực tiễn cho thấy ở địa bàn cơ sở, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, việc bảo đảm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật, các thiết chế thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền, lợi ích hợp pháp ngay tại cơ sở còn hạn chế - đó là những yếu tố có tác động trực tiếp đến đời sống văn hóa, tinh thần, pháp lý của người dân mà nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đặt ra nhưng lại chưa xác định rõ trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Trước tình hình đó, việc bổ sung, lồng ghép các tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là vấn đề cấp thiết hiện nay. Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, nghiêm túc với nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi thẳng thắn của các đại biểu tham dự. Phần lớn các đại biểu đều nhất trí với việc bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu phương án bổ sung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.