Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Duy Lãm - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; đồng chí Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn Phòng Chính phủ, cùng đại diện các Báo cáo viên pháp luật của 26 bộ, ngành ở Trung ương. Hội nghị đã được nghe và thảo luận về 02 vấn đề: (1) Tổng quan về cải cách hành chính và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Thực hiện yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng thể chế; (2) Giới thiệu Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.
Mở đầu Hội nghị, đồng chí Ngô Hải Phan giới thiệu Tổng quan về cải cách hành chính và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Thực hiện yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng thể chế. Theo đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một nội dung của cải cách hành chính, đây được xem là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp. Bài giới thiệu được tập trung vào các nội dung: (i) Khái quát về TTHC, thực trạng triển khai Đề án 30; (ii) Nhiệm vụ cải cách TTHC và chương trình tổng thể cải cách TTHC giai đoạn 2011-2020; (iii) Triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC; (iv) Quy trình thực hiện yêu cầu cải cách TTHC và quá trình xây dựng VBQPPL. Bên cạnh đó, bằng kiến thức sâu rộng về vấn đề này, Báo cáo viên đã cung cấp nhiều thông tin và quá trình triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở các Bộ, ngành, địa phương và cùng đại biểu, học viên trao đổi thảo luận về các biện pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trên toàn quốc.
Tiếp đó, Hội nghị được nghe đồng chí Nguyễn Duy Lãm giới thiệu Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Luật đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua. Bài phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, một số nội dung cơ bản của Luật được tập trung phân tích, đó là Quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân (Điều 2); Chính sách nhà nước về PBGDPL (Điều 3) và xã hội hóa công tác PBGDPL (Điều 4); Hội đồng phối hợp PBGDPL (Điều 7); Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 8); Nội dung PBGDPL cho công dân (Điều 10)…Một trong những điểm mới được nhấn mạnh là trong số 41 Điều luật đã có 02 Điều (Điều 35, Điều 36) quy định về báo cáo viên pháp luật, quyền và nghĩa vụ của báo cáo viên pháp luật. Đây được xem là đội ngũ giữ vai trò nòng cốt trong công tác PBGDPL hiện nay.
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Lãm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ Báo cáo viên pháp luật trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Sau Hội nghị này, các Báo cáo viên sẽ có thêm những định hướng cũng như kinh nghiệm trong công tác PBGDPL, góp phần thực hiện những mục tiêu chung mà Đảng và Nhà nước đề ra.