Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên khẳng định, việc triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai đồng bộ tại các địa phương. Đến nay, các địa phương đã tiến hành đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017 với kết quả có gần 61% đơn vị cấp xã đạt chuẩn. Một số địa phương có tỷ lệ cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao như: Hà Tĩnh, Bình Dương, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long …. Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn lúng túng, triển khai chậm, một số nơi đánh giá còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tiễn; nguồn lực dành cho triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn hạn chế, chưa đồng đều ở các địa phương, nhất là kinh phí
Tại Hội thảo, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tham luận, thảo luận về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các tiêu chí xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Một số tham luận đã trình bày như: Thực trạng tiếp cận thông tin pháp luật và kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới (Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thoa - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp); thực trạng và giải pháp thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh (Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang); thực trạng và giải pháp thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật (Sở Tư pháp Quảng Ninh)…
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của địa phương. Qua Hội thảo đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương trao đổi, tháo gỡ vướng mắc; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới gắn với xây dựng nông thôn mới./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật