Liên kết website

Năm 2019 tăng hơn 600 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật so với năm 2018

22/04/2020

Theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện nội dung thành phần “Đánh giá, công nhận, xây dựng xã tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân”. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 03/4/2020, Bộ Tư pháp đã ban hành Báo cáo số 78/BC-BTP về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 với một số nội dung cụ thể sau:

1. Kết quả đạt được
Ở Trung ương, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 707/KH-BTP ngày 05/3/2019 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019; ban hành Công văn số 1899/BTP-PBGDPL ngày 27/5/2019 để hướng dẫn chỉ đạo điểm và hỗ trợ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 02 tỉnh Hòa Bình, Bến Tre; kịp thời giải đáp bằng văn bản các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị từ thực tiễn xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của một số địa phương bằng văn bản hoặc giải đáp trực tiếp tại các hội nghị tập huấn nghiệp vụ. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và Phong trào thi đua“Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2012-2020 gắn với sơ kết Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đã tổ chức Hội nghị tổng kết ngày 06/12/2019 tại tỉnh Nghệ An. Qua sơ kết, tổng kết thực tiễn cho thấy, Bộ Tư pháp và cơ quan Tư pháp các cấp ở địa phương rất trách nhiệm, tích cực phối hợp triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống pháp lý của người dân các vùng miền.
          Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức 03 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ theo khu vực miền Bắc (tổ chức tại Quảng Ninh), miền Trung (tổ chức tại Quảng Bình) và miền Nam (tổ chức tại Sóc Trăng) cho đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng PBGDPL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các nội dung tập huấn tập trung vào hướng dẫn đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến các tiêu chí thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ và Ngành Tư pháp (PBGDPL, hòa giải ở cơ sở) và quán triệt, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã ưu tiên tổ chức tập huấn chuyên sâu hướng dẫn nghiệp vụ về đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, kết hợp giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cho đại diện Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp  – Hộ tịch cấp xã của 10 tỉnh đại diện theo vùng, miền còn gặp khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ (Quảng Ninh, Tuyên Quang, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình, Sóc Trăng, Quảng Trị, Đắk Nông, Long An, Hậu Giang).
Ở địa phương, năm 2019, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân hướng dẫn công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản riêng hướng dẫn về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới cùng cấp trong việc đề xuất, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tiêu chí thành phần “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bổ sung kinh phí thực hiện. Nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ cho công chức được giao theo dõi, tham mưu xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn (Hà Nam, Sơn La, Gia Lai …); tập trung nguồn lực hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt là các nội dung gắn liền với đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới (Kon Tum, Bình Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Tuyên Quang..); tổ chức kiểm tra chuyên đề tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ này trong toàn tỉnh (Bắc Kạn, Vĩnh Long…). Nhiều địa phương đã bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này từ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam...).
Qua thống kê, báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố, đã có 9687/10985 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019, đạt 87.58%. So với năm 2018, đã tăng hơn 600 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nhiều địa phương có tỷ lệ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tối đa như: Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Đà Nẵng, Hà Nam, Hậu Giang. Một số tỉnh đã có kết quả vượt bậc so với năm 2018 như Sơn La (đạt 68.09%), Quảng Ngãi (đạt 75.9%), Điện Biên (đạt 70,43%), Lạng Sơn (đạt 85,51%),… Qua đó cho thấy, các địa phương đang tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện nhiệm vụ được giao, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra. Một số địa phương được quan tâm, phân bổ từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bạc Liêu...).
2. Đánh giá chung
Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thường xuyên của lãnh đạo Bộ Tư pháp. Đến nay, nhiệm vụ này đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đạt được những kết quả bước đầu, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở. Các địa phương cũng xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác PBGDPL nói chung, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó chú trọng tập huấn, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, Thông tư số 07/2017/TT-BTP. Cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ được giao bám sát mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra; quan tâm, tích cực tham mưu Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí, tạo điều kiện cho Bộ Tư pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn gặp khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là gắn kết với thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương; một số nơi qua theo dõi, nắm bắt vẫn còn tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật mang tính hình thức, chưa chú trọng kiểm tra nắm bắt tình hình, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định. Một số nội dung, quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong các văn bản hiện hành đã bộc lộ bất cập, hạn chế (thời điểm đánh giá xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với đánh giá nông thôn mới; nội dung của một số chỉ tiêu còn định tính, chung chung, chưa rõ ràng; chưa có cơ cơ chế hủy kết quả công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi phát hiện có vi phạm...). Sau đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm, nhiều địa phương chưa chú trọng có giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế, tăng cường hiệu quả thực hiện các lĩnh vực quản lý gắn với các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật.  Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói chung còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
3. Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020
- Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân có hiệu quả, thực chất.
- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tiêu chí thành phần 18.5 về đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, phục vụ xây dựng nông thôn mới được đồng bộ, đạt mục tiêu và yêu cầu.
- Rà soát, nghiên cứu, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ nâng tiêu chí tiếp cận pháp luật thành tiêu chí lớn, độc lập trong Bộ Tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; bổ sung tiêu chí này vào Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện nông thôn mới, tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó tạo cơ sở phát huy vai trò của Bộ và Ngành Tư pháp góp phần xây dựng nông thôn mới các cấp được thống nhất, đồng bộ, đạt mục tiêu trở thành vùng xanh, sạch, đẹp, đáng sống trong điều kiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho phù hợp với thực tế (Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
- Tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và giải đáp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho công chức được giao thực hiện nhiệm vụ; tổ chức kiểm tra, khảo sát nắm bắt tình hình thực tế về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, để kịp thời chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ và giải pháp triển khai nhiệm vụ có hiệu quả, phù hợp thực tiễn; phục vụ xây dựng,  hoàn thiện thể chế, văn bản về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
4. Một số kiến nghị, đề xuất
- Đề nghị Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tiêu chí thành phần 18.5 về “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời tiếp tục giao Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện nhiệm vụ của Chương trình và nâng tiêu chí thành phần 18.5 nêu trên thành một tiêu chí lớn, độc lập trong Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, bổ sung tiêu chí này vào các Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 nhằm tạo cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, huy động nguồn lực góp phần xây dựng nông thôn mới các cấp. Quan tâm chia sẻ, cung cấp tài liệu, mô hình điểm, những kinh nghiệm hay, hiệu quả trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức các diễn đàn, hội thảo về xây dựng nông thôn mới để các Bộ, Ngành, địa phương học tập, tham khảo lẫn nhau trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho Bộ Tư pháp từ nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn; thực hiện đầy đủ, đúng quy định về trách nhiệm được giao trong Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP; quan tâm bố trí kinh phí ngân sách nhà nước và nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chỉ đạo rà soát, phân loại các tiêu chí, chỉ tiêu trọng tâm, qua chấm điểm còn đạt kết quả thấp để có giải pháp tăng cường, ưu tiên nguồn lực thực hiện.
- Đề nghị Sở Tư pháp rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung một số văn bản, quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tạo cơ sở hoàn thiện thể chế, văn bản cho phù hợp thực tiễn, phát huy vai trò, vị thế của ngành Tư pháp góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp có những giải pháp cụ thể, phù hợp để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở địa phương; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn, đảm bảo triển khai nhiệm vụ tại cơ sở được nền nếp, thực chất, đúng quy định./.
Các tin đã đưa ngày: