Nghị định số 76/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. ">
Liên kết website

Nghị định số 76/2014/NĐ-CP ngày 29/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

19/08/2014

Ngày 29/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

 

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 6 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về danh mục tiền chất thuốc nổ; điều kiện kinh doanh tiền chất thuốc nổ; vũ khí quân dụng trang bị cho lực lượng Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nghị định này không áp dụng đối với các hoạt động phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng; mục đích kinh doanh phân bón theo Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón và trong các trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2014 và thay thế các quy định tại Khoản 3 Điều 3 về giải thích từ ngữ “tiền chất thuốc nổ” và các quy định về kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ tại Điều 16 Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp.

Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng trong lực lượng kiểm ngư là kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư và tàu kiểm ngư. Vũ khí dân dụng được trang bị gồm súng ngắn, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng 14,5mm và đạn sử dụng cho các loại súng này.

 Tổ chức kinh doanh tiền chất nổ là doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề liên quan đến hóa chất hoặc vật liệu nổ công nghiệp và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối lấy ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về hồ sơ kinh doanh tiền chất thuốc nổ theo đề nghị của tổ chức, đồng thời là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tổ chức đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực và phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn về tiền chất thuốc nổ, về phòng cháy, chữa cháy, về an ninh, trật tự, an toàn cho xã hội, về bảo vệ môi trường.

Nghị định cũng quy định thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, Giấy phép nhập khẩu tiền chất thuốc nổ. Trường hợp được miễn trừ việc cấp Giấy phép kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ là nhằm phục vụ cho nghiên cứu khoa học, thử nghiệm với khối lượng nhỏ hơn 05 kg/năm

Ban hành kèm theo Nghị định là danh mục tiền chất thuốc nổ, gồm 07 loại là Amoni nitrat (công thức phân tử là NH4NO3, mã CAS là 6484-52-2), Nitrometan (công thức phân tử là CH3NO2, mã CAS là 75-52-5), Natri nitrat (công thức phân tử là NaNO3, mã CAS là 7631-99-4), Kali nitrat (công thức phân tử là KNO3, mã CAS là 96193-83-8), Natri clorat (công thức phân tử là NaClO3, mã CAS là 9011-92-1), Kali clorat (công thức phân tử là KClO3, mã CAS là 3811-04-9), Kali perclorat (công thức phân tử là KClO4, mã CAS là 7778-74-7).

Các tin đã đưa ngày: