Thông tư quy định các nội dung phối hợp gồm: thu thập thông tin, trinh sát, theo dõi phát hiện đối tượng vi phạm và trao đổi, cung cấp thông tin về vụ việc vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm hành chính; thực hiện các quyết định kiểm tra của cơ quan Quản lý thị trường; áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính theo yêu cầu của Cục Quản lý thị trường ; thẩm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ và các tình tiết khác để xem xét việc xử lý vi phạm hành chính; xử lý vi phạm hành chính và ban hành các quyết định xử lý, xử phạt vi phạm hành chính; thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư quy định 05 phương thức phối hợp: Cử công chức tham gia việc phối hợp; bố trí phương tiện, công cụ hỗ trợ và trang thiết bị khác phục vụ việc phối hợp; bố trí kinh phí hoặc tạm ứng kinh phí phục vụ việc phối hợp; trao đổi, thống nhất về nội dung, phương thức phối hợp; thực hiện các yêu cầu phối hợp cụ thể khác.
Thẩm quyền yêu cầu phối hợp trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Quản lý thị trường các cấp được Thông tư quy định như sau: Cục trưởng Cục Quản lý thị trường hoặc Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường được Cục trưởng giao quyền ban hành quyết định kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Trưởng phòng Phòng Chống buôn lậu, Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả, Trưởng phòng Phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa thuộc Cục Quản lý thị trường hoặc Phó Trưởng phòng của các phòng nói trên được Trưởng phòng giao quyền ban hành quyết định kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo quy định; Chi cục trưởng Chi cục Quản ký thị trường hoặc Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường được Chi cục trưởng giao quyền ban hành quyết định kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Về thủ tục yêu cầu phối hợp, Thông tư quy định: yêu cầu phối hợp trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Quản lý thị trường các cấp phải bằng văn bản của người có thẩm quyền yêu cầu phối hợp. Trường hợp việc phối hợp cần phải bảo mật thông tin thì văn bản yêu cầu phối hợp phải đóng dấu “mật” khi phát hành và ghi rõ dấu “mật” trên bì văn bản. Văn bản yêu cầu phối hợp phải được gửi cho cơ quan được yêu cầu phối hợp trước thời điểm phối hợp ít nhất 07 ngày làm việc, khi nhận được văn bản yêu cầu phối hợp, thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường được yêu cầu phối hợp có trách nhiệm xử lý ngay nội dung yêu cầu phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện các yêu cầu phối hợp của cơ quan Quản lý thị trường đã có văn bản yêu cầu phối hợp. trường hợp có căn cứ cho rằng yêu cầu phối hợp không đúng quy định pháp luật hoặc sự kiện bất khả kháng thì thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường được yêu cầu phối hợp có quyền từ chối thực hiện yêu cầu phối hợp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc từ chối đó. Việc từ chối phải được thông báo ngay bằng điện thoại cho thủ trưởng cơ quan yêu cầu phối hợp và bằng văn bản nêu rõ căn cứ, lý do từ chối trong thời hạn trước ít nhất 02 ngày tính đến thời điểm phối hợp.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2014. Thông tư này thay thế Quyết định số 0471/1998/QĐ-BTM ngày 20/4/1998 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa các Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.