Liên kết website

Quy định đánh giá rủi ro đối với thủy sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm

27/04/2015

Ngày 10/3/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BNNPTNT quy định đánh giá rủi ro đối với thủy sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm.   

 

Thông tư này quy định về nội dung, phương pháp đánh giá rủi ro và quản lý đối với thủy sản sống nhập khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm bao gồm các loài thủy sản chưa có tên trong Danh mục các loài thủy sản sống được phép nhập khẩu làm thực phẩm; Danh mục loài ngoại lai xâm hại và Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Việc đánh giá rủi ro đối với thủy sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm được thực hiện bởi Hội đồng đánh giá rủi ro. Hội đồng gồm 7-9 thành viên gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thư ký, Ủy viên phản biện và các y viên khác. Thành viên Hội đồng là các chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm về các lĩnh vực như ngư loại học, đa dạng sinh học, môi trường, nuôi trồng thủy sản, bệnh thủy sản có ít nhất 03 năm kinh nghiệm. Phiên họp của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng triệu tập và phải đảm bảo có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng tham dự.

Nội dung đánh giá rủi ro gồm: Khả năng tồn tại trong môi trường, vùng sinh thái tại Việt Nam; khả năng trở thành vật dữ, xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại và khả năng cạnh tranh thức ăn đối với các loài thủy sản bản địa; khả năng lai tạp của thủy sản nhập khẩu với các loài thủy sản bản địa; nguy cơ phát tán mầm bệnh cho thủy sản bản địa, con người.

Thuỷ sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm phải được vận chuyển, lưu giữ cách ly, bảo quản, chế biến, tiêu thụ trong điều kiện phù hợp với từng đối tượng thuỷ sản sống và không để thất thoát ra ngoài môi trường. Trong quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thủy sản sống dùng làm thực phẩm, tổ chức, cá nhân nhập khẩu có trách nhiệm kiểm tra, kiểm kê định kỳ. Kết quả kiểm tra, kiểm kê phải được lưu giữ trong hồ sơ ghi chép của cơ sở. Không được gây nuôi, phát tán thủy sản sống dùng làm thực phẩm ra môi trường tự nhiên và môi trường nuôi trồng thuỷ sản. Trường hợp xảy ra thất thoát trong quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, tổ chức, cá nhân phải triển khai ngay các biện pháp để thu hồi tất cả số lượng thuỷ sản sống bị thất thoát và xử lý bằng biện pháp phù hợp, đồng thời chậm nhất trong vòng 02 ngày làm việc phải báo cáo cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương và Tổng cục Thủy sản.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, phân phối, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thủy sản sống dùng làm thực phẩm có trách nhiệm tuân thủ, chấp hành việc đăng ký, thực hiện quản lý rủi ro và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và nộp phí, lệ phí theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày  11/5/2015.

Các tin đã đưa ngày: