Thông tư yêu cầu tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông hoặc nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn phải lập kế hoạch khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn, đảm bảo chậm nhất đến ngày 31/12/2015, tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan tại tổ chức tín dụng tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, trừ một số trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc được xử lý theo phương án tái cơ cấu đã được Ngân hàng nhà nước phê duyệt.
Sau thời hạn trên hoặc sau thời hạn nêu trong phương án tái cơ cấu đã được Ngân hàng nhà nước phê duyệt, Ngân hàng nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp xử lý những cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan chưa đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng. Cụ thể là: Không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, bổ nhiệm làm tổng giám đốc của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhân sự này là cổ đông hoặc thuộc nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại tổ chức tín dụng, là người đại diện phần vốn góp hoặc người có liên quan của các đối tượng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Luật các tổ chức tín dụng; không xem xét việc đề cử nhân sự tham gia hội đồng quản trị, ban kiểm soát của tổ chức tín dụng của cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại tổ chức tín dụng đó;…
Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người có liên quan của những cổ đông đó.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2015.