Liên kết website

Thông tư số 36/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí

22/03/2016

Ngày 26/02/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí.

Thông tư này hướng dẫn các quy định về thuế đối với: các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là nhà thầu) tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu thô, condensate (sau đây gọi chung là dầu thô) và khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than (sau đây gọi chung là khí thiên nhiên) tại Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí; và các bên có quan hệ liên kết với nhà thầu tham gia trong hợp đồng dầu khí.
Theo đó, giá tính thuế dầu thô là giá bán dầu thô tại Điểm giao nhận được xác định theo giao dịch sòng phẳng. “Giao dịch sòng phẳng” được hiểu là việc bán tại thị trường Việt Nam và trên thị trường quốc tế bằng đồng tiền tự do chuyển đổi giữa người bán và người mua tự nguyện và không có liên quan, nhưng không bao gồm việc bán bởi một bên cho một chi nhánh của họ, bán giữa các chính phủ hoặc các tổ chức do chính phủ sở hữu hoặc giao dịch trao đổi hoặc đổi hàng và các lần bán không theo giá thị trường tự do quốc tế. “Điểm giao nhận” là Điểm mà tại đó dầu khí chạm mặt bích ngoài của tàu dầu hoặc phương tiện tàng chứa dùng để lấy hoặc tiêu thụ dầu khí hoặc những Điểm khác theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng dầu khí mà ở đó dầu khí được chuyển giao quyền sở hữu cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí. Trường hợp dầu thô được bán không theo giao dịch sòng phẳng thì giá tính thuế đối với dầu thô là giá bán trung bình cộng của tháng xuất bán dầu thô của dầu thô cùng loại hoặc tương đương trên thị trường quốc tế. Người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin về thành phần, chất lượng của dầu thô đang khai thác. Khi cần thiết, cơ quan thuế tham khảo giá bán trên thị trường Mỹ (WTI), thị trường Anh (Brent) hay thị trường Singapore (Plátt’s) hoặc tham khảo ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định giá dầu thô đang khai thác của người nộp thuế.
Đối với khí thiên nhiên, giá tính thuế là giá bán khí thiên nhiên tại Điểm giao nhận, được xác định theo hợp đồng mua bán khí thiên nhiên, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với thỏa thuận tại hợp đồng dầu khí, có tính đến thời Điểm tính giá, thị trường và các yếu tố liên quan khác (nếu có). Khi cần thiết, cơ quan thuế sẽ tham khảo ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định giá khí thiên nhiên đang khai thác của người nộp thuế.
Thông tư cũng hướng dẫn cách xác định số thuế tài nguyên phải nộp đối với dầu thô, khí thiên nhiên. Cụ thể, thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên được xác định trên cơ sở lũy tiến từng phần của sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên bình quân mỗi ngày khai thác được của tổng sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên thực khai thác trong mỗi kỳ nộp thuế từ diện tích hợp đồng dầu khí, thuế suất thuế tài nguyên và số ngày khai thác thực trong kỳ tính thuế. Thuế xuất khẩu tạm tính đối với dầu thô, khí thiên nhiên được tính bằng sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên xuất khẩu nhân với giá tính thuế xuất khẩu, nhân với tỷ lệ thuế xuất khẩu tạm tính.
Theo đó, thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên được khấu trừ toàn bộ. Trường hợp hợp đồng dầu khí không phát hiện dầu khí thương mại và chấm dứt hiệu lực theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì không thực hiện truy thu số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ dầu khí nếu đã được hoàn thành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/04/2016; áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2016 trở đi và áp dụng đối với các chuyến dầu thô, khí thiên nhiên xuất bán kể từ ngày 01/01/2016.
Các tin đã đưa ngày: