Tổ chức thu phí chứng thực bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã; Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Phòng Công chứng. Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước
Từ ngày 01/01/2017, phí chứng thực hợp đồng, giao dịch là 50.000 đồng/hợp đồng, giao dịch, tăng 20.000 đồng/hợp đồng, giao dịch so với quy định hiện hành; tương tự, phí chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch cũng được tăng từ 20.000 đồng/hợp đồng, giao dịch lên 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch; phí sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực là 25.000 đồng/hợp đồng, giao dịch thay cho mức phí cũ là 10.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.
Riêng phí chứng thực bản sao từ bản chính và phí chứng thực chữ ký vẫn được giữ nguyên theo quy định hiện hành, ở mức 2.000 đồng/trang với chứng thực bản sao từ bản chính, từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, mức thu tối đa là 200.000 đồng/bản và 10.000 đồng/trường hợp đối với chứng thực chữ ký.
Về đối tượng được miễn phí: Cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số
55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì không phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 và thay thế Thông tư liên tịch số
158/2015/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch và
điểm 7, điểm 8 khoản 4 Điều 1 Thông tư liên tịch số 115/2015/TTLT-BTC-BTP ngày 11 tháng 8 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTP.