Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước.
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước về lập dự toán ngân sách; thu nộp ngân sách; kiểm soát, thanh toán chi ngân sách; quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; quyết toán ngân sách; nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, sử dụng dự phòng ngân sách; sử dụng quỹ dự trữ tài chính; công khai ngân sách nhà nước, giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng và một số nội dung khác theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; Các nội dung về kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm; quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước; quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Đối tượng áp dụng theo Nghị định là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao; Các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến ngân sách nhà nước.
Về thu ngân sách nhà nước Nghị định quy định các khoản thu ngân sách nhà nước bao gồm: Thuế do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của các luật thuế; Lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật; Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện; trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện, sau khi trừ phân được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật; Các khoản nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh tế của Nhà nước; Huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước quản lý; Tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; tiền sử dụng khu vực biển; tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật; Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cho cơ quan nhà nước ở địa phương; Thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định tại Điều 11 Luật ngân sách nhà nước và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Về chi ngân sách nhà nước Nghị định cũng quy định các khoản chi ngân sách nhà nước như sau: Chi đầu tư phát triển; Chi dự trữ quốc gia; Chi thường xuyên; Chi trả lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản tiền do Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh vay; Chi viện trợ của ngân sách trung ương cho các Chính phủ, tổ chức ngoài nước; Chi cho vay theo quy định của pháp luật; Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính; Chi chuyển nguồn từ ngân sách năm trước sang ngân sách năm sau; Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và thanh toán đầy đủ, kịp thời theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán. Thủ trưởng cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước có quyền từ chối các khoản chi không đủ điều kiện chi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật ngân sách nhà nước, chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật và phải thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức, đơn vị biết. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị bị từ chối chi không thống nhất với quyết định của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền báo cáo với cơ quan giao dự toán trực tiếp và cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước cấp trên để xem xét xử lý.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.