Liên kết website

Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5 năm 2017

09/06/2017

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5 năm 2017 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH 
Trong tháng 5 năm 2017, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 20 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 16 Nghị định của Chính phủ và 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng;
2. Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược;
3. Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra;
4. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;
5. Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người;
6. Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải;
7. Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen;
8. Nghị định số 60/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
9. Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn;
10. Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản;
11. Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội;
12. Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu;
13. Nghị định số 66/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị;
14. Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;
15. Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;
16. Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 14/2017/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;
2. Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập;
3. Quyết định số 17/2017/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
4. Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 6 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, nhằm đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, cải cách thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 điều, quy định về: (1) Các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng; (2) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng; (3) Quy định chuyển tiếp đối với trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đã được nộp trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư cập nhật giấy tờ hợp pháp về đất đai theo quy định tại Nghị định này để được cấp giấy phép xây dựng; (4) Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng; (2) Cơ quan thực hiện cấp giấy phép xây dựng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Bãi bỏ các văn bản: (1) Các quy định về quảng cáo thuốc tại Điều 3 của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo; (2) Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật dược; (3) Nghị định số 89/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật dược; (4) Nghị định số 102/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh thuốc.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết một số điều của Luật dược năm 2016, đồng thời quy định một số biện pháp thi hành Luật này.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 09 chương, 145 điều, quy định về Chứng chỉ hành nghề dược; kinh doanh dược; xuất khẩu, nhập khẩu thuốc; đăng ký lưu hành dược liệu, tá dược, vỏ nang; đánh giá cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài; thẩm quyền, hình thức, thủ tục thu hồi nguyên liệu làm thuốc, biện pháp xử lý nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi; hồ sơ, trình tự thủ tục và thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc và biện pháp quản lý giá thuốc, cụ thể:
(1) Hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung và thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược; đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn về dược; xác định văn bằng chuyên môn, chức danh nghề nghiệp để cấp Chứng chỉ hành nghề dược; thực hành chuyên môn về dược; thi để xét cấp Chứng chỉ hành nghề dược;
(2) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; địa bàn, phạm vi kinh doanh của cơ sở bán lẻ là quầy thuốc, tủ thuốc; tổ chức bán lẻ thuốc lưu động; biện pháp về an ninh, bảo đảm không thất thoát thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt; trình tự, thủ tục cho phép kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ;
(3) Xuất khẩu thuốc phải kiểm soát đặc biệt, dược liệu thuộc danh mục loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát; nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam; nhập khẩu thuốc phải kiểm soát đặc biệt có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt; nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam trừ nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt; nhập khẩu chất chuẩn, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
(4) Đăng ký lưu hành dược liệu, tá dược, vỏ nang; đánh giá việc đáp ứng thực hành tốt sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nước ngoài khi đăng ký lưu hành tại Việt Nam;
(5) Thẩm quyền, hình thức, thủ tục thu hồi nguyên liệu làm thuốc, biện pháp xử lý nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi;
(6) Hồ sơ, trình tự thủ tục và thẩm quyền xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc;
(7) Kê khai, kê khai lại giá thuốc; niêm yết giá thuốc, quy định về thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đấu thầu mua thuốc, đàm phán giá thuốc và các biện pháp bình ổn giá thuốc.
Ban hành kèm theo Nghị định là Phụ lục về các mẫu đơn đề nghị, chứng chỉ hành nghề, giấy xác nhận, thông báo phục vụ lĩnh vực quản lý dược.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến dược tại Việt Nam.
3. Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra; tạo cơ sở pháp lý để ngành hàng cá Tra hội nhập và phát triển bền vững.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 14 điều, quy định về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra, cụ thể: (1) Điều kiện nuôi cá Tra thương phẩm; (2) Đăng ký mã số nhận diện ao nuôi cá Tra thương phẩm; (3) Điều kiện chế biến cá Tra; điều kiện chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá Tra; (4) Điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá Tra; (5) Trách nhiệm của các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội, Hiệp hội ngành nghề có liên quan; tổ chức, cá nhân nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra; (6) Điều khoản chuyển tiếp.
Ban hành kèm theo Nghị định là 05 phụ lục, bao gồm: Phụ lục I quy định mã số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng trong quản lý nuôi trồng thủy sản; Phụ lục II về mẫu giấy đăng ký cấp mã số nhận diện ao nuôi cá Tra; Phụ lục III về mẫu giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá Tra; Phụ lục IV về mẫu báo cáo tình hình xuất khẩu cá Tra; Phụ lục V về mẫu báo cáo tình hình nhập khẩu sản phẩm cá Tra.
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá Tra trên lãnh thổ Việt Nam.
4. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để quy định chi tiết một số điều và đảm bảo kịp thời triển khai thi hành Luật trẻ em.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 58 điều, quy định về: (1) Các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách hỗ trợ; (2) Hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; (3) Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; (4) Chăm sóc thay thế cho trẻ em; (5) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo  dục, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm để trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.
Ban hành kèm theo Nghị định là Phụ lục về các mẫu báo cáo, đơn, quyết định, danh sách, kế hoạch phục vụ việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân quy định tại Điều 3 Luật trẻ em.
5. Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khuyến khích và động viên trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người tham gia học tập và nâng cao trình độ văn hóa, học vấn.                      
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 10 điều, quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người đang học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cụ thể: (1) Chính sách ưu tiên tuyển sinh; (2) Chính sách hỗ trợ học tập; (3) Trình tự, thời gian xét duyệt và phương thức chi trả hỗ trợ học tập; (4) Lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học tập; (5) Tổ chức thực hiện; (6) Điều khoản chuyển tiếp.
Ban hành kèm theo Nghị định là Phụ lục về các mẫu đơn đề nghị hỗ trợ.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ; (2) Các cơ sở giáo dục, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người.
6. Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Bãi bỏ các quy định sau: (1) Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải; (2) Quy định liên quan đến thủ tục tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, vào, rời cảng biển và hoạt động trong vùng biển Việt Nam tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 13, 14 và 16 của Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để triển khai thực hiện Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về hàng hải; bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư và phù hợp với cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 126 điều, quy định chi tiết một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, bao gồm: Đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển, luồng hàng hải, công trình hàng hải, báo hiệu hàng hải, thông báo hàng hải, hoạt động của hoa tiêu hàng hải và quản lý hoạt động của tàu thuyền tại cảng biển và trong vùng biển Việt Nam, cụ thể:
(1) Đầu tư xây dựng cảng biển và luồng hàng hải; đặt tên, đổi tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao và khu nước, vùng nước; công bố mở, đóng cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng và các khu nước, vùng nước; quản lý, khai thác cảng biển, luồng hàng hải và các công trình khác trong vùng biển Việt Nam; quản lý khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng được đầu tư bằng vốn nhà nước;
(2) Quản lý báo hiệu hàng hải và thông báo hàng hải;
(3) Yêu cầu chung đối với hoạt động tàu thuyền; thủ tục điện tử đối với tàu thuyền; thủ tục cho tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, đến, rời cảng biển và hoạt động trong vùng biển Việt Nam; thủ tục phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển; hoa tiêu hàng hải;
(4) An toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường;
(5) Nguyên tắc, trách nhiệm phối hợp trong hoạt động quản lý hàng hải; thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành tại cảng biển; trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển;
(6) Điều khoản chuyển tiếp.
Ban hành kèm theo Nghị định là Phụ lục về mẫu các văn bản sử dụng trong hoạt động hàng hải.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài; (2) Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng biển, luồng hàng hải và quản lý hoạt động hàng hải tại vùng nước cảng biển, vùng biển của Việt Nam.
Các quy định tại Nghị định này về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường cũng được áp dụng đối với cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển.
7. Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Bãi bỏ Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đa dạng sinh học.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm nội luật hóa các quy định quốc tế; khắc phục những tồn tại, chồng chéo trong các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tiếp cận và sử dụng nguồn gen, góp phần đạt được mục tiêu về bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền của Luật đa dạng sinh học.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 28 điều, quy định về quản lý hoạt động tiếp cận để sử dụng và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể: (1) Nguyên tắc trong quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; (2) Cơ quan đầu mối quốc gia (là Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học Nghị định thư Nagoya; (3) Cấp, gia hạn và thu hồi giấy phép tiếp cận nguồn gen; (4) Chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; (5) Đăng tải Chứng nhận tuân thủ quốc tế về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích và báo cáo kết quả việc thực hiện tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
Ban hành kèm theo Nghị định là Phụ lục về mẫu văn bản bảo lãnh; đơn đăng ký, hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; giấy phép, đơn đề nghị gia hạn giấy phép tiếp cận nguồn gen; quyết định gia hạn, quyết định thu hồi giấy phép tiếp cận nguồn gen; đơn đề nghị, quyết định cho phép đưa nguồn gen ra khỏi lãnh thổ Việt Nam phục vụ học tập/nghiên cứu không vì mục đích thương mại.
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tiếp cận để sử dụng nguồn gen nhằm mục đích nghiên cứu hoặc phát triển sản phẩm thương mại.
8. Nghị định số 60/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 7 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 108/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 108/2012/NĐ-CP; đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; phù hợp với Luật tổ chức Chính phủ, Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Theo Nghị định, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gồm có 42 đơn vị trực thuộc, trong đó có 06 đơn vị là các đơn vị chuyên môn giúp việc cho Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 28 đơn vị là các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; 08 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Viện.
9. Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Bãi bỏ khoản 1 Điều 27 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để triển khai thực hiện khoản 4 Điều 65 Luật đấu giá tài sản về việc giao Chính phủ quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 14 điều, quy định về: (1) Những trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; (2) Lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; (3) Quyền và nghĩa vụ của Công ty Quản lý tài sản trong trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; (4) Sử dụng kết quả thẩm định giá để xác định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; (5) Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn; (6) Thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nguyên tắc hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, thành viên Hội đồng.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; (2) Doanh nghiệp thẩm định giá; (3) Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; (4) Tổ chức tín dụng có nợ xấu bán cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; (5) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc đấu giá tài sản là nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
10. Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật đấu giá tài sản, đồng thời quy định một số biện pháp thi hành Luật này.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 19 điều, quy định về cấp, thu hồi Thẻ đấu giá viên; hình thức đấu giá trực tuyến; đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành, cụ thể: (1) Thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ đấu giá viên; đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành; (2) Nguyên tắc đấu giá trực tuyến; trình tự thực hiện, thông báo kết quả, biên bản cuộc đấu giá trực tuyến; điều kiện, thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến; phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến; trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến; (3) Điều khoản chuyển tiếp.
Nghị định này áp dụng với tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, người có tài sản đấu giá, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, cá nhân, tổ chức có liên quan.
11. Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 7 năm 2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.
Bãi bỏ Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Luật ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô; khắc phục những hạn chế hiện hành, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính của Thủ đô Hà Nội.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 12 điều, quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, cụ thể: (1) Nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách Thủ đô Hà Nội; (2) Quản lý ngân sách Thủ đô Hà Nội, gồm: Dự toán chi ngân sách Thủ đô Hà Nội; bội chi ngân sách; thưởng và bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; (3) Vốn đầu tư phát triển trong nước; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; nguyên tắc vay vốn đầu tư phát triển; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội; (2) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tài chính - ngân sách thành phố Hà Nội.
12. Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 7 năm 2017.
Nghị định này thay thế nội dung hỗ trợ trồng cây dược liệu quy định tại Điều 12 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành và thúc đẩy ngành dược liệu phát triển.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 15 điều, quy định một số chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu có nguồn gốc thực vật, động vật, cụ thể: (1) Các chính sách đặc thù gồm: Ưu tiên công nhận giống dược liệu; hỗ trợ sản xuất giống dược liệu; hỗ trợ áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu tuân thủ thực hành nuôi trồng, khai thác dược liệu tốt; hỗ trợ nuôi trồng dược liệu tập trung; chính sách ưu đãi về đất đai; điều kiện được hỗ trợ đầu tư; (2) Nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ; hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ; (3) Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện.
Ban hành kèm theo Nghị định là Phụ lục về các mẫu tờ khai; mẫu các văn bản về: Đề nghị hỗ trợ, báo cáo kết quả thẩm tra hỗ trợ đầu tư, cam kết hỗ trợ vốn, đề nghị thực hiện dự án trồng dược liệu sử dụng ngân sách trung ương, cam kết hỗ trợ vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị thanh toán hỗ trợ; biên bản nghiệm thu.
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi trồng, khai thác dược liệu trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
13. Nghị định số 66/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 7 năm 2017.
Đối với quy định cơ sở kinh doanh chỉ được bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình cho cơ quan có trách nhiệm thi hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 19 điều, quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, cụ thể: (1) Nguyên tắc hoạt động và quản lý; (2) Các hành vi bị nghiêm cấm; (3) Điều kiện về an ninh, trật tự và thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; (4) Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước; (5) Điều khoản chuyển tiếp.
Ban hành kèm theo Nghị định là Phụ lục mẫu về quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh và thành lập, cấp phép, đăng ký, quản lý hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
14. Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 7 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 97/2013/NĐ-CP; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp của hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 83 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, cụ thể:
(1) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực dầu khí đối với các vi phạm quy định về: Hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; an toàn, an ninh và môi trường trong lĩnh vực dầu khí; chế độ báo cáo, cung cấp thông tin và các quy định khác trong lĩnh vực dầu khí;
(2) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong kinh doanh xăng dầu đối với các vi phạm quy định về: Điều kiện kinh doanh xăng dầu và kinh doanh xăng dầu;
(3) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong kinh doanh khí đối với các vi phạm quy định về: Điều kiện kinh doanh, kinh doanh, nạp, cấp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), sản xuất, sửa chữa, kiểm định chai LPG; điều kiện kinh doanh, kinh doanh, nạp, cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), khí thiên nhiên nén (CNG) và các hành vi vi phạm khác về kinh doanh khí;
(4) Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Thanh tra chuyên ngành trong việc lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này; (2) Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam; (3) Những người có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này; (4) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính.
15. Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2017.
Nghị định này bãi bỏ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý cụm công nghiệp; phù hợp với các luật mới được ban hành, như: Luật tổ chức Chính phủ, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường…
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 48 điều, quy định về quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp, cụ thể:
(1) Quy hoạch, lập, phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; điều kiện, hồ sơ, trình tự điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp;
(2) Điều kiện, hồ sơ, trình tự thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; nội dung thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; nội dung chủ yếu của Quyết định thành lập, Quyết định mở rộng cụm công nghiệp;
(3) Chủ đầu tư; trình tự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích; quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
(4) Tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp; thuê đất, cấp giấy phép xây dựng trong cụm công nghiệp; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh;
(5) Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề;
(6) Nội dung, quyền hạn, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan trong quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; (2) Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp; (3) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, hoạt động của cụm công nghiệp.
16. Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 5 năm 2017.
Nghị định này thay thế Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 32/2008/NĐ-CP; đảm bảo phù hợp với Luật tổ chức Chính phủ và Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Nghị định, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về: Mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm có 26 đơn vị trực thuộc, trong đó có 21 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 05 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
17. Quyết định số 14/2017/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 5 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cơ sở; nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, bãi bỏ Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
18. Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm triển khai thực hiện khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về việc giao Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập trên cơ sở căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 điều, ban hành kèm theo Quyết định này Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập (hàng hóa không thuộc Danh mục kèm theo Quyết định này được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập theo quy định của Luật hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ).
Theo Quyết định, hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục kèm theo Quyết định này được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập trong các trường hợp sau:
(1) Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, công trình hoặc kho của nhà máy, công trình;
(2) Nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, linh kiện, phụ tùng để phục vụ gia công, sản xuất được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất;
(3) Hàng hóa tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm;
(4) Hàng hóa nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế;
(5) Hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý khu phi thuế quan;
(6) Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc yêu cầu cứu trợ khẩn cấp;
(7) Hàng hóa chuyên dùng nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan theo đề nghị của người khai hải quan;
(8) Xăng được đưa từ kho ngoại quan đến các địa điểm làm thủ tục hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho xăng dầu;
(9) Hàng hóa nhập khẩu đóng chung container đưa về địa điểm thu gom hàng lẻ được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý địa điểm thu gom hàng lẻ;
(10) Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
19. Quyết định số 17/2017/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2017.
Quyết định này thay thế Quyết định số 141/1998/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức và bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành để triển khai thi hành Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015; đáp ứng thực tiễn hoạt động và yêu cầu đặt ra trong trong thời gian tới đối với Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 06 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, nhân lực và kinh phí của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo Quyết định, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (được đổi tên từ Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động) là tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý, triển khai, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động, môi trường lao động theo quy định của pháp luật.
20. Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2017.
Quyết định này bãi bỏ Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 và Thông tư số 08/2015/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 4 năm 2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học và các quy định liên quan khác của các bộ, ngành quy định về đào tạo liên thông trình độ đại học.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm triển khai thực hiện các quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 10 điều, quy định về đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học, bao gồm: điều kiện tổ chức tuyển sinh đào tạo liên thông; thẩm quyền quyết định, báo cáo và công khai tuyển sinh đào tạo liên thông; điều kiện của người dự tuyển liên thông; chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông; tuyển sinh liên thông; chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo liên thông; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; điều khoản chuyển tiếp và điều khoản thi hành.
Quyết định này áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học, kể cả trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng; các trường trung cấp, trường cao đẳng. các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5 năm 2017, Bộ Tư pháp xin thông báo./.
Các tin đã đưa ngày: