Liên kết website

Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước

27/12/2011

Ngày 17/11/2011 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 164/2011/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc Nhà nước. Thông tư này thay thế Thông tư số 33/2006/TT-BTC ngày 17/4/2006 của Bộ Tài chính.

Theo Thông tư, kể từ ngày 01/01/2012 các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước, các xã, phường, thị trấn có hoạt động thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước khi thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thì các đơn vị giao dịch phải thanh toán bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, trừ trường hợp khoản chi có giá trị nhỏ không vượt quá 05 triệu đồng đối với một khoản chi.

Về nguyên tắc quản lý thu: Tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước, khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước phải ưu tiên thanh toán bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Khi có phát sinh các khoản thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt (như phí, lệ phí,…), các đơn vị giao dịch phải nộp đầy đủ, kịp thời số tiền mặt đã thu vào Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch theo chế độ quy định; đơn vị giao dịch không được giữ lại nguồn thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt để chi, trừ trường hợp được để lại chi theo chế độ quy định. Đối với một số khoản thu bằng tiền mặt phát sinh tại đơn vị được quản lý qua ngân sách nhà nước như thu học phí, viện phí,... thì đơn vị được phép mở một tài khoản chuyên thu tại một ngân hàng thương mại và ủy nhiệm cho ngân hàng thương mại đó thu hộ. Tài khoản chuyên thu của các đơn vị mở tại ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng để tập trung các khoản thu học phí, viện phí,...; không được sử dụng để thanh toán hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Các đơn vị giao dịch được phép chi bằng tiền mặt những khoản chi sau: Các khoản chi thanh toán cá nhân (như: tiền lương; tiền công; phụ cấp lương; học bổng học sinh, sinh viên; tiền thưởng; phúc lợi tập thể; ...); Chi xây dựng cơ bản (bao gồm: chi giải phóng mặt bằng trực tiếp cho dân; chi mua sắm vật tư do nhân dân khai thác và cung ứng được chính quyền địa phương và chủ đầu tư chấp thuận đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cấp xã; chi xây dựng các công trình do dân tự làm của xã); Chi một số nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ (bao gồm: mật phí; chi nuôi phạm nhân, can phạm và các nhu cầu chi thường xuyên khác bằng tiền mặt); Chi trả nợ dân (bao gồm các khoản chi trả trái phiếu, công trái bán lẻ; chi trả bằng tiền mặt đối với vàng bạc, đá quý, tư trang tạm giữ cho các nguyên chủ); Chi mua lương thực dự trữ (chỉ phần do cơ quan Dự trữ Quốc gia thu mua trực tiếp của dân; không bao gồm phần mua qua các Tổng công ty, công ty lương thực).

Thông tư cũng quy định các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước có nhu cầu rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước trong một ngày (một hoặc nhiều giao dịch) vượt mức 200 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước tỉnh và 100 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước huyện thì phải đăng ký với Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản trước một ngày làm việc về số lượng và thời điểm rút tiền để Kho bạc Nhà nước có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng tiền mặt đầy đủ, kịp thời cho đơn vị giao dịch.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, Các quy định về quản lý thu, chi tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước trong các văn bản được ban hành trước đây trái với quy định tại Thông tư này không còn hiệu lực thi hành.

Các tin đã đưa ngày: