Quyết định số 31/2012/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2012.">
Liên kết website

Quyết định số 31/2012/QĐ-TTg ngày 26 tháng 07 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế phối hợp thực hiện công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng

15/08/2012

   Ngày 26 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2012/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2012.

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng.

Quy chế này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện Công ước.

Nội dung phối hợp: Tuyên truyền, phổ biến về Công ước; rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm thực hiện Công ước; tương trợ tư pháp trong khuôn khổ công ước; trao đổi thông tin liên quan đến Công ước; hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Công ước; tham gia cơ chế đánh giá việc thực hiện Công ước; tổ chức và tham gia các hội nghị về Công ước; thực hiện các thủ tục đối ngoại liên quan đến Công ước.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các đề án, kế hoạch, hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Công ước trên phạm vi cả nước; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến về Công ước; tổng hợp tình hình và kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến về Công ước trong phạm vi cả nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết các yêu cầu của quốc gia thành viên Công ước về tương trợ tư pháp dân sự và thu hồi tài sản tham nhũng; đề nghị các quốc gia thành viên Công ước giải quyết các yêu cầu của Việt Nam về tương trợ tư pháp dân sự và thu hồi tài sản tham nhũng.

Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì tiếp nhận, chuyển giao các yêu cầu của quốc gia thành viên Công ước về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; thực hiện các quyết định có liên quan của tòa án có thẩm quyền; đề nghị các quốc gia thành viên Công ước giải quyết các yêu cầu của Việt Nam về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

Thanh tra Chính phủ là đầu mối quốc gia trao đổi, quản lý thông tin, dữ liệu liên quan đến Công ước; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Công ước; tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng các hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Công ước của các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật; chủ trì xây dựng và phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức thực hiện kế hoạch đánh giá việc thực hiện Công ước.

Các hội nghị về Công ước gồm: Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước và các hội nghị khác trong phạm vi Công ước theo Nghị quyết của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước; các hội nghị quốc tế và quốc gia ngoài phạm vi Công ước nhưng có nội dung liên quan đến Công ước.

Thủ tục đối ngoại liên quan đến thực hiện Công ước gồm: Thông báo giải thích, áp dụng Công ước; thông báo việc rút bảo lưu hoặc rút phản đối bảo lưu; thông báo về việc chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của quốc gia thành viên Công ước; thông báo về việc chấm dứt áp dụng tạm thời toàn bộ hoặc một phần của Công ước; thông báo rút khỏi Công ước và các thông báo khác thể hiện quan điểm chính thức của Việt Nam về những vấn đề liên quan đến Công ước và tổ chức thực hiện Công ước. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan tiến hành các thủ tục đối ngoại về Công ước theo quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tập quán quốc tế trên nguyên tắc có đi có lại.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật thuộc phạm vi quản lý của mình, nhằm bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với Công ước về các nội dung phòng ngừa, hình sự hóa và thực thi pháp luật, hợp tác quốc tế, thu hồi tài sản, hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin liên quan đến Công ước.

Các tin đã đưa ngày: