Liên kết website

Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính

11/09/2012

Thông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính về thủ tục tiến hành một số nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính.

Theo đó, Thông tư quy định về thủ tục tiến hành một số nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, Tòa án các cấp trong hoạt động tố tụng hành chính nhằm tạo điều kiện trong việc kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát. Cụ thể, Toà án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát tham gia phiên toà, phiên họp theo quy định của Luật tố tụng hành chính, trừ trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đã kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.. Toà án cấp sơ thẩm gửi hồ sơ vụ án cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Toà án để mở phiên toà. Toà án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi Toà án thụ lý vụ án. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Toà án để mở phiên toà...

Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Viện kiểm sát xét thấy cần xác minh, thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án có căn cứ và đúng pháp luật thì Viện kiểm sát gửi văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trước khi mở phiên tòa, thậm chí ngay tại phiên tòa theo quy định.

Viện kiểm sát có quyền yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng trong các trường hợp: Viện kiểm sát thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo đảm thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; sau khi đã kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát có quyền thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo vệ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Ngoài ra, Thông tư cũng cho phép Kiểm sát viên có quyền kiểm tra biên bản phiên tòa, phiên họp ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp và có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản rồi ký xác nhận vào những nội dung sửa đổi, bổ sung.

Thông tư liên tịch này cũng quy định cụ thể thủ tục gửi văn bản tố tụng giữa Tòa án và Viện kiểm sát, việc Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2012.

Những hướng dẫn trước đây của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao về những vấn đề được hướng dẫn trong Thông tư liên tịch này hết hiệu lực thi hành.

Các tin đã đưa ngày: