Liên kết website

Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường

05/11/2012

Thông tư này quy định điều kiện, trình tự, thủ tục khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường quy định tại Danh mục động vật rừng thông thường ban hành kèm theo Thông tư này trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thông tư này không điều chỉnh đối với các khu thể thao, giải trí săn bắn được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; nuôi cứu hộ và bảo tồn động vật rừng thông thường.

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến khai thác từ tự nhiên, nuôi các loài động vật rừng thông thường quy định tại Thông tư này.

          Điều kiện khai thác các loài thuộc Danh mục động vật rừng thông thường ban hành kèm theo Thông tư này như sau: Có giấy phép khai thác do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường trên lâm phận của các chủ rừng thuộc địa phương quản lý, Tổng cục Lâm nghiệp cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường trên lâm phận của các chủ rừng thuộc Trung ương quản lý); Sử dụng công cụ, phương tiện đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, không gây tổn hại sinh cảnh và môi trường; Được sự đồng ý của chủ rừng đối với tổ chức, cá nhân khai thác không đồng thời là chủ rừng; Không khai thác vì mục đích thương mại trong các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên.

Điều kiện nuôi động vật rừng thông thường: Cơ sở nuôi, trại nuôi phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của loài nuôi; đảm bảo an toàn cho ngườiđộng vật nuôi; đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; nguồn gốc của động vật nuôi (khai thác từ tự nhiên trong nước; nhập khẩu; mua của tổ chức, cá nhân khác; xử lý tịch thu; động vật rừng thông thường đã nuôi trước đó). Tổ chức, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc hợp pháp của động vật nuôi.

Tổ chức nuôi động vật rừng thông thường phải được cơ quan Kiểm lâm sở tại cấp giấy chứng nhận trại nuôi. Cá nhân, hộ gia đình nuôi động vật rừng thông thường phải gửi giấy thông báo cơ sở nuôi thể hiện rõ các nội dung: tên, địa chỉ của chủ cơ sở nuôi; tên, số lượng, nguồn gốc loài đề nghị nuôi; địa điểm cơ sở nuôi theo mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này tới Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  09  tháng 11 năm 2012. Thông tư này thay thế quy định tại Điều 1 Thông tư số 25/2012/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2010.

Danh mục động vật rừng thông thường được ban hành kèm theo Thông tư này là 160 loài. Trong đó, lớp thú có bộ thỏ (02 loài), bộ ăn thịt (09 loài), bộ móng guốc ngón chẵn (04 loài), bộ gặm nhấm (16 loài); lớp chim có bộ gà (3 loài), bộ sếu (4 loài), bộ cu cu (02 loài); lớp bò sát có bộ rùa (02 loài), bộ có vảy (74 loài); lớp lưỡng cư: bộ có đuôi (08 loài); lớp côn trùng gồm bộ cánh cứng (16 loài) và bộ cánh vẩy (18 loài); lớp hình nhện có bộ bọ cạp (02 loài).

Thông tư cũng ban hành các mẫu giấy: Mẫu giấy đề nghị cấp giấy phép khai thác từ tự nhiên động vật rừng thông thường (mẫu số 1); Thuyến minh phương án khai thác từ tự nhiên động vật rừng thông thường (mẫu số 2); Báo cáo đánh giá quần thể động vật rừng thông thường (mẫu số 3); Giấy phép khai thác từ tự nhiên động vật rừng thông thường (mẫu số 4); Bảng kê mẫu vật rừng thông thường (mẫu số 5); Đề nghị cấp giấy chứng nhận trại nuôi động vật rừng thông thường vì mục đích thương mại (mẫu số 6); Giấy chứng nhận trại nuôi động vật rừng thông thường vì mục đích thương mại (mẫu số 7); Thông báo nuôi động vật rừng thông thường (mẫu số 8); Sổ theo dõi cơ sở nuôi/trại nuôi động vật rừng thông thường áp dụng cho cơ quan Kiểm lâm sở tại/Ủy ban nhân dân cấp xã (mẫu số 9); Sổ theo dõi nuôi động vật rừng thông thường áp dụng đối với cơ sở nuôi/trại nuôi (mẫu số 10); Báo cáo tổng hợp hàng năm về tình hình khai thác, nuôi động vật rừng thông thường (mẫu số 11).

Các tin đã đưa ngày: