Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.">
Liên kết website

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn

23/10/2013

Ngày 24/9/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

 

Theo đó, hình thức xử phạt chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn bao gồm: Phạt cảnh cáo và phạt tiền, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá là 150.000.000 đồng; trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí, hóa đơn là 50.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Cụ thể:

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định; phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi xuất khẩu gạo thấp hơn giá sàn gạo xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc quy định; phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ hoặc không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ hoặc không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường; phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với hành vi niêm yết hoặc thông báo không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho người nộp phí, lệ phí; phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi làm mất các liên của mỗi số chứng từ, mất liên giao cho người nộp tiền của mỗi số chứng từ chưa sử dụng. Trường hợp cho, bán chứng từ đã sử dụng thì bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 08 triệu đồng...

Đối với hành vi vi phạm quy định về tự in hóa đơn và khởi tạo hóa đơn điện tử, quy định về mua hóa đơn thì bị phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 50 triệu đồng; vi phạm quy định về phát hành hóa đơn thì bị phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 18 triệu đồng; vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ thì bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 20 triệu đồng. Đặc biệt, bị phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, chậm nộp hoặc không nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế thì bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 08 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định các hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; tước Thẻ thẩm định viên về giá; đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá; đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử; đình chỉ in hóa đơn.

Người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá số tiền do sử dụng không đúng Quỹ bình ổn giá; nộp ngân sách nhà nước số tiền có được do hành vi vi phạm; trả lại khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra; dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân quy định; cải chính thông tin sai lệch; tiêu hủy hoặc tịch thu tiêu hủy ấn phẩm có nội dung thông tin sai phạm; hủy kết quả thẩm định giá; hủy chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá; hoàn trả tiền phí, lệ phí cho người nộp; hủy các hóa đơn; thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn là 01 năm; trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí là 02 năm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/11/2013 và thay thế Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí; Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và Chương V, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Các tin đã đưa ngày: